Giải thích việc rẽ lối từ Tây y sang Đông y, anh cho biết: “Y học cổ truyền của VN đã được nhiều đoàn y bác sĩ các nước như Mỹ, Pháp...sang tìm học. Đông y nếu biết vận dụng kết hợp với Tây y sẽ giúp ích rất nhiều cho con người chống lại bệnh tật”. Rồi nói thêm: “Có thể thu nhập của tôi không như một bác sĩ nội - ngoại khoa ở một bệnh viện lớn nhưng bù lại tôi tìm thấy niềm đam mê, sáng tạo trong công việc. Đôi khi cũng cần một chút lãng mạn khi theo đuổi mục đích, lý tưởng sống của mình”.
Học chuyên văn làm thầy... y khoa
Trí vốn là học sinh chuyên văn Trường chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), ai cũng nghĩ có lẽ sẽ thuận hơn khi thi vào chuyên ngành xã hội. Nhưng chàng học trò chuyên văn ấy lại thi và đậu á khoa ĐH Nông lâm, thủ khoa khối B Cao đẳng Sư phạm và đậu vào Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM.
Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa Tây y với kết quả khá tốt trong suốt quá trình học, Trí có thể chọn vào làm ở các bệnh viện lớn của TP nhưng anh quyết định ở lại với niềm đam mê của mình. Và rồi sau đó anh đã trở thành một trong những thạc sĩ y học trẻ tuổi nhất với chuyên ngành y học dân tộc. Chính sự kết hợp giữa Tây y và Đông y mà bài giảng của Trí hấp dẫn các bạn sinh viên hơn. “BS Trương Thìn là người thầy đầu tiên đã làm tôi rung động và yêu mến vẻ đẹp của y học dân tộc cổ truyền để rồi từ đó quyết định theo đuổi lĩnh vực này. Và tôi mong sẽ có thêm nhiều thế hệ SV nối tiếp như thế...” - anh tâm sự.
Bác sĩ Trí châm cứu hướng dẫn cho một học viên khiếm thị - Ảnh: CTV |
Nhờ thế những đường kinh, huyệt vị... “nằm im lìm”, “khô khan” khó nhớ bỗng trở thành những “dòng chảy đổi màu”, những “ánh sao nhấp nháy” đầy trực quan sinh động. Một hôm mọi người ngỡ ngàng khi Trí khệ nệ chở một hình nộm được cắt làm đôi mang vào trường. Trên từng cánh tay, bàn chân, khuôn mặt... của hình nộm chi chít hạt nút xanh đỏ được anh tỉ mỉ dán vào từng điểm huyệt tương ứng. Tiết học hôm ấy sinh động hẳn nhờ “người bạn đồng nghiệp đáng yêu ấy” và vô số “đồ nghề” Trí sưu tầm được từ các chuyến đi, đặc biệt là những bộ kim châm cứu của các nước...
Khoa học sức khỏe + văn hóa dân tộc
Với y học dân tộc cổ truyền, Trí cho rằng đấy chính là sự kết hợp tuyệt vời và thăng hoa rực rỡ của khoa học sức khỏe và bản sắc văn hóa dân tộc. Những ngày tết vừa rồi, Trí khoác balô lên đường cùng nhóm bác sĩ, tình nguyện viên của Tổ chức NADA (Mỹ) đến Campuchia để huấn luyện chuyển giao phương pháp trị liệu bằng châm cứu (nhĩ châm) cho các bạn khiếm thị và những người hoạt động vì trẻ em đường phố.
“Seeing Hands - nơi dừng chân đầu tiên của chúng tôi. Nhìn những bàn tay run rẩy lần đầu tiên tiếp xúc với cây kim châm cứu của các bạn khiếm thị, rồi bỗng chốc lại trở nên nhanh nhẹn chính xác đến lạ lùng, tôi cảm thấy thích thú và yêu mến cái tên “Ánh sáng từ bàn tay” của tổ chức này” - Trí cùng những tình nguyện viên đã cảm nhận sự khát khao được sống và làm việc có ích trong mỗi bạn trẻ khiếm thị nơi đây.
Tiếp nối hành trình ấy, với trái tim tình nguyện, hoàn toàn tự túc mọi chi phí, Trí luôn có mặt ở các lớp hướng dẫn châm cứu cho các bạn khiếm thị ở Huế, Đà Nẵng... Là ủy viên thường trực ban chấp hành Hội Châm cứu TP.HCM, anh còn tham gia nhiều hoạt động tình nguyện về vùng sâu vùng xa chăm sóc sức khỏe cho bà con. Và anh hăm hở đến với các lớp giảng dạy và đào tạo về châm cứu thực hành cho các BS-SV nước ngoài...
Với hộp dụng cụ nhỏ gọn và vài cây kim châm cứu, hễ có dịp là anh luôn sẵn lòng quảng bá và giúp những người bạn nước ngoài cảm nhận được phương pháp châm cứu trị liệu của VN, dù đó là cô bạn đồng nghiệp người Pháp thân thiết hay chỉ là anh bạn người Iran vô tình gặp gỡ trong một quán ăn...
Cháy bỏng đam mê Tiềm tàng trong Nguyễn Mạnh Trí dường như là một nguồn năng lượng dồi dào và cháy bỏng niềm đam mê. Đánh dấu từng giai đoạn cuộc sống là những ngã rẽ bứt phá “vượt lên chính mình”. Không phải là những ham muốn “cả thèm chóng chán” mà đó là tinh thần cầu thị muốn hoàn thiện bản thân. “Con người không ai hoàn thiện cả nhưng cũng không ai không muốn mình vươn tới sự hoàn thiện”. Và khi đã quyết tâm thực hiện điều gì, anh luôn đặt hết sức lực và trọn vẹn niềm đam mê của mình để đạt được kết quả tốt nhất. Văn học và y học tưởng chừng rất khác biệt nhưng ít nhất với người bác sĩ trẻ này không hề xa lạ: “Văn học là nhân học. Và mục tiêu cao nhất của y học cũng chính là hướng đến giá trị nhân bản cao quý”. |
Theo Kim Anh / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)