Bởi vì tôi nghĩ: Chắc chỉ có những người ở trong vùng tâm dịch - những vị y bác sĩ ngày đêm gồng mình với từng lớp lớp bệnh nhân, những người thi hành nhiệm vụ chống dịch 24/7, những người vô gia cư, những người thất nghiệp vì dịch, hay những gia đình lo từng miếng cơm manh áo trong vùng dịch - mới có những câu chuyện để kể, để chỉ cho chúng ta thấy rằng dịch bệnh khốc liệt đến thế nào, và chúng ta nên đồng lòng chống dịch ra sao.
Và những người như tôi - cô sinh viên 20 tuổi về quê tránh dịch ngày ngày ăn đủ 3 bữa và vẫn học hành vui chơi giải trí đầy đủ, thì có gì để mà kể, mà chia sẻ cơ chứ?
Tôi còn may mắn chán so với những người ngoài kia, những người mà ngày mai có cơm ăn không còn không biết, còn tôi ăn xong bữa này đã vội vã ăn en-nờ bữa khác để lót dạ. Vậy mà tôi còn lên tiếng để làm gì?
Tôi nghĩ đó không phải chỉ là suy nghĩ của riêng tôi. Bạn bè xung quanh tôi mười người thì chắc tám chín người giống như vậy rồi. Điều ấy khiến cho tôi có suy nghĩ rằng, dịch bệnh dù khốc liệt đến mấy thì cũng còn xa tôi lắm, vì xung quanh tôi chẳng ai F0, và cuộc sống sinh hoạt của gia đình tôi ngoại trừ hạn chế ra đường, thì cũng chẳng có gì thay đổi quá nhiều.
Đôi lúc tôi còn thấy việc bố mẹ tôi ngày ngày bàn tán về số ca F0, số ca tử vong xuất hiện trên các phương tiện truyền thông là điều thừa thãi. Tôi thừa nhận tôi có thể thấy rùng mình vì một vài ba con số ca nhiễm tại Sài Gòn, hay cảm thán với bạn bè rằng chỗ tôi ở đã phong tỏa rồi đấy, không được tự do đi lại nữa, nhưng chắc chắn là tôi chưa bao giờ đau đáu về sự nguy hiểm của nó, hay lo lắng bất an rằng mai này cuộc sống sẽ ra sao. Chưa bao giờ.
Chưa bao giờ. Cho tới một ngày, cũng như bao ngày trong chuỗi ăn ngủ học hành làm việc của tôi: “Mọi người biết tin gì chưa… mất rồi, dính Covid”. Những dòng tin nhắn rất ngắn gọn mà tôi không bao giờ dám tin. Xin phép không điền vào chỗ trống vì tính đến lúc tôi viết bài viết này, thì tôi đã liên tục nhận được những cái tên khác đã điền vào đó.
Tôi mất rất lâu để có thể định thần lại. Có thể tôi đã nghe tin ai đó F1, F2, F3, hoặc thậm chí F0, nhưng tin ai đó qua đời vì Covid-19 thì chưa lần nào. Và lần này nó đến, như một cú tát thẳng vào suy nghĩ non nớt và có phần trẻ thơ của tôi.
Tôi chợt nghĩ, sinh mạng sao mà mong manh thế! Nay biết, mai gặp, mốt đã ra đi… Tôi rùng mình khi nghĩ về sự hờ hững của bản thân khi đọc, khi nghe những con số người tử vong vì Covid 19 văng vẳng bên tai mỗi ngày.
Giờ đây, những con số đó không còn xa lạ gì với tôi nữa - chúng đến đâu đó từ những người mà tôi quen biết, từ những người mà bạn tôi quen biết, hay là chính những người thân của người mà tôi biết. Buồn thay, chỉ tới lúc tôi đã định hình được mối quan hệ của những người đã khuất đó với tôi, thì tôi mới bắt đầu nhen nhóm nhận ra Covid 19 đáng sợ như thế nào.
Sự nhen nhóm đó đang dần dần thay đổi cuộc sống của tôi - hay nói chính xác hơn là thay đổi cách tôi “nhìn” cuộc sống của mình.
Tôi “nhìn” vào bạn bè tôi. Tôi bắt đầu đi hỏi thăm những người bạn trong vùng dịch, hay những người mà bạn bè tôi quen biết đang chịu ảnh hưởng bởi dịch. Và tôi nhận ra con số những người đó không hề “ít” như tôi vẫn nghĩ. Cách tốt nhất tôi có thể làm là dõi theo và gửi cho họ những lời động viên chân thành nhất, thực sự mong họ sẽ được an toàn và vui khỏe sống mỗi ngày.
Tôi “nhìn" vào những mẩu chuyện của bố mẹ tôi. Lúc đấy tôi mới biết những mẩu chuyện ấy đa dạng và “đời” như thế nào. Mẹ tôi kể chuyện cậu tôi về quê tránh dịch, cùng ông ngoại tôi đi phân phát đồ cứu trợ cho những người nằm trong vùng “đỏ".
Mẹ kể: “Có gạo cho gạo, có muối cho muối, có đường cho đường.” Tôi nghe mà câm nín. Bởi vì trong khi chính những người thân của mình đang lăn lộn ngoài kia chắt chiu từng thứ để giúp người đối phó với dịch bệnh, thì tôi ngồi đây ngày 3 bữa chưa bao giờ tự hỏi món canh tôi ăn hôm nay sao lại có muối để bỏ vào, hay sao nhà vẫn còn gạo nấu cơm...
Rồi bố tôi kể chuyện người bác của tôi bị kẹt trên Sài Gòn, vì dịch nên bác và chị không thể đi làm, không biết có đủ tiền lo tiền nhà hàng tháng, tiền ăn mỗi ngày hay không. Rồi những câu chuyện mẹ kể lúc đi sắp xếp chỗ ở cho những người bị cách ly, chuyện của người phụ nữ không biết tên từ Sài Gòn về cách ly nhưng tay bồng con đứng dưới mưa mà không có chỗ trú, đứa con và người mẹ bơ vơ trước cổng khu cách ly.
Tôi luôn cho mọi thứ mình có là tất nhiên, là bình thường, nhưng có lẽ không phải thế rồi. Cuối cùng, được hơn một tuần qua, tôi lắng nghe những câu chuyện đó chăm chú hơn, và thực hành viết 3 điều biết ơn mỗi ngày khi thức dậy. Nếu không thể cho đi, ít nhất hãy biết trân trọng những điều bạn đang có.
Cuối cùng, tôi “nhìn” vào chính bố mẹ mình, chứ không phải những mẩu chuyện được kể nữa. Tôi nhận ra không phải ngẫu nhiên mà một tuần 7 ngày đều đặn bố tôi phải dậy lúc 3 giờ sáng để lo chuyện rẫy nương - vì nếu không thì tôi không có ngày đủ 3 bữa (và hơn thế) trong suốt mấy tháng dịch hoành hành.
Tôi cũng nhận ra mẹ mình bỗng nhiên có những “đam mê" lạ thường, như nấu những món bánh lạ, món chè ngon cho chị em tôi ăn. Tôi ăn trong sung sướng mà giờ mới nhận ra: Ừ, là vì mẹ tôi rảnh quá nên mới dành thời gian cho việc nấu ăn nhiều hơn, mà mẹ tôi rảnh là vì dịch nên trường học đóng cửa hết, mẹ tôi không đi dạy được, không có học sinh để trò chuyện được, không có gì để chờ ngóng mỗi ngày.
Qua tất cả những cái “nhìn”, tôi nhận ra bản thân tôi - và rất nhiều bạn trẻ ngoài kia, thực ra đang rất gần với đại dịch. Nó không xa như chúng ta nghĩ, không nằm ở một nơi Sài Gòn nào đó, hay thành phố tấp nập đâu kia. Nó đã len lỏi vào trong từng ngõ ngách cuộc sống của chúng ta, vô hình, hoặc hữu hình - chỉ là chúng ta đã không “nhìn” đủ để nhận ra, thấu cảm và hành động vì nó.
Tôi chia sẻ những điều này vì tôi muốn nhắn nhủ tới những bạn trẻ như tôi ngoài kia rằng: “Tất cả chúng ta đều có thể kể câu chuyện của riêng mình. Hãy “nhìn” vào cuộc sống của bạn một cách chậm hơn, chăm chú hơn, tập trung hơn, và bạn sẽ biết bạn có thể kể điều gì”.
Hãy kể ra, để những bạn trẻ khác cũng sẽ bắt đầu tập kể, để Covid-19 chân thực và gần hơn với suy nghĩ của mọi người, để chúng ta dù sống tích cực, hay vui vẻ, cũng không hề “vô tâm” trước những hiện thực cuộc sống. Đó là lý do mà tôi kể, còn bạn, bạn sẽ kể chứ?
Bình luận (0)