Sôi trào như một chai champagne vừa mở nắp…
Mùi lưu huỳnh ở Rotorua là do thành phố nằm trong khu vực địa chất có núi lửa. Có nhiều miệng núi lửa còn hoặc đã ngưng hoạt động ở Rotorua. Chẳng hạn, hồ Rotorua rộng khoảng 80 km2 ở ngay trung tâm thành phố nằm trong miệng núi lửa trong vùng núi lửa Taupo không còn hoạt động. Nhiều khu vực bờ hồ Rotorua mờ ảo suốt cả ngày vì hơi khói bốc lên từ lòng đất. Nhiều mạch nước vẫn còn phun lên cao ở các điểm tham quan trong thành phố, nhất là ở vùng Wai-O-Tapu, Whakarewarewa.
Rotorua là cái nôi của người Maori. Trước khi có người châu Âu đến New Zealand sinh sống, đất đai trên đảo quốc này là của người Maori. Trong quá khứ, người Maori dẫn nước nóng từ các hồ về nhà để sưởi ấm dưới nền nhà và nấu ăn, tắm rửa... vào mùa đông. Vì thế, lịch sử phát triển của người Maori gắn liền với các hồ nước nóng và mạch nước phun ở Rotorua.
Dĩ nhiên, ngành du lịch địa phương đã tận dụng những đặc trưng ấy. Hệ thống các cơ sở spa trị liệu, nhà tắm nước nóng... có mặt ở khắp nơi trong thành phố. Ở các cửa hàng bán đồ lưu niệm có trưng bày những túi bùn khoáng khai thác tại những vũng bùn được tạo ra từ núi lửa.
Các công ty du lịch địa phương còn tổ chức đưa du khách lên miệng núi lửa, cả đang hoạt động và tạm ngưng hoạt động, để tham quan. Chẳng hạn, tham quan bằng thủy phi cơ ở thung lũng núi lửa Waimangu; tham quan núi lửa Tarawera; đến đảo Trắng ở ngoài biển - nơi ngọn núi lửa vẫn còn hoạt động, đi trên dải lưu huỳnh cô đặc màu vàng; tham quan hồ Champagne ở công viên Wai-O-Tapu đang sôi trào giống như một chai champagne vừa mở nắp…
Trong đó, núi lửa Tarawera, với lần phun trào nham thạch cuối cùng vào năm 1886, là một trong những kỳ quan của thế giới.
Tháng 6 ở New Zealand trời bắt đầu vào mùa đông, nhưng bầu trời vẫn trong xanh và nắng vàng trải trên các đồng cỏ bao la. Có hơn 50 hồ nước ở Rotorua, nơi du khách có thể bơi, chèo thuyền hoặc câu cá. Nhiều khách sạn, khu vui chơi giải trí, cáp treo lên núi, cửa hàng lưu niệm, dịch vụ nghỉ dưỡng, bảo tàng, làng truyền thống của người Maori... phục vụ du khách.
|
Người Kiwis ở xứ kiwi
Cũng bởi vì sự khác biệt của Rotorua nên thành phố này trở thành một trong những điểm đến nổi tiếng nhất của New Zealand. Đoàn phóng viên VN khảo sát tuyến điểm ở New Zealand do Vietravel tổ chức nhân dịp Air New Zealand mở đường bay thẳng đến TP.HCM bắt đầu khởi hành từ Auckland đến Rotorua mất khoảng 3 giờ xe chạy, băng qua những cánh đồng xanh mát mắt với những điểm nhấn là đàn cừu, đàn bò thong dong gặm cỏ.
Dân số New Zealand vào khoảng 4,6 triệu người, sinh sống trên một diện tích đất nước rộng lớn 268.000 km2, 72% dân cư sinh sống ở các đô thị.
Một trong những mạch nước phun nổi tiếng nhất ở Rotorua là Pohutu. Có thời điểm trong ngày, mạch nước Pohutu phun cao tới 30 m, khoảng 45 phút phun một lần, nước nóng lên tới 95 độ C.
Pohutu nằm trong pháo lũy Te Puia, nơi người Maori đã định cư từ thế kỷ 13, là đất thiêng của người Maori. Hiện nay, khu địa nhiệt này trở thành điểm tham quan nổi tiếng của Rotorua với cái tên New Zealand Maori Arts and Crafts Institute (Viện Mỹ thuật và thủ công mỹ nghệ Maori ở New Zealand).
Te Puia nằm trong thung lũng Whakarewarewa - vốn là vùng núi lửa cổ xưa. Dưới lòng đất bị đun nóng bởi magma lên tới 300 độ C và tạo áp lực phun trào. Hồi thế kỷ 19, người ta tính được có khoảng 200 mạch nước phun tại New Zealand, nhưng đến nay còn khoảng 60, chủ yếu tập trung tại Rotorua.
Nghi thức chào hỏi của người Maori là cụng mũi, như là cách truyền cho nhau hơi thở của sự sống. Sau cái cụng mũi người Maori chính thức xem người đối diện là bạn. Văn hóa của người Maori có sức ảnh hưởng rộng lớn ở New Zealand, dù dân số của tộc người này chỉ chiếm khoảng 16%. Nhiều địa danh xuất phát từ tiếng của người Maori, chào hỏi nhau bằng tiếng Maori cũng trở nên phổ biến...
Đón chúng tôi ở điểm tham quan Te Puia, Nancy Wilson, cô gái người Maori chính gốc, làm hướng dẫn viên. Nancy nói rằng tên Maori của cô không hề dễ nhớ đối với du khách, nên cô chọn một cái tên phổ biến. Sau cánh cổng được dựng từ 12 cây cột, điêu khắc lên đó 12 gương mặt khác nhau biểu tượng của 12 tháng trong năm, chúng tôi chính thức bước vào thế giới của người Maori.
Chính giữa là một tảng đá lớn, tượng trưng của sức mạnh. Ở đây, chúng tôi được xem điệu nhảy haka nổi tiếng của người Maori rất phổ biến không chỉ ở New Zealand, mà trên khắp thế giới, khi được các cầu thủ bóng bầu dục nước này sử dụng trước lúc bắt đầu một trận đấu. Điệu nhảy kết hợp giữa ánh mắt, cơ mặt, tay, chân và cả lưỡi. Đối với người Maori, lưỡi thè ra càng dài càng tỏ rõ được sức mạnh.
Truyền thống nhảy haka trước khi thi đấu bóng bầu dục được đội New Zealand biểu diễn hàng chục năm trước và sau đó, nhiều đội bóng trên thế giới cũng làm theo nhằm biểu lộ sức mạnh, uy hiếp tinh thần đối phương.
Dù không là biểu tượng chính thức của quốc gia nhưng hình ảnh chiếc lá dương xỉ màu bạc xuất hiện khắp nơi ở đất nước này. Trên quốc huy của New Zealand có hai chiếc lá dương xỉ. Dương xỉ bạc được người Maori xưa kia sử dụng như là vật chỉ đường, vì nhờ vào ánh sáng bạc phản chiếu từ lá, người Maori có thể tìm được đường đi trong đêm tối.
Người New Zealand tự hào vì đất nước họ là nơi duy nhất trên thế giới có loài chim kiwi. Cũng như Úc có loài kangaroo đặc trưng, nhưng người Úc chẳng bao giờ gọi mình “tôi là người kangaroo” như cách người New Zealand gọi mình là “người chim kiwi”. Nếu bạn hỏi một người New Zealand rằng họ là người nước nào, họ sẽ trả lời: “I’m Kiwis” (Tôi là người Kiwis - nghĩa là người New Zealand). Chỉ có điều, để phân biệt giữa người và chim, họ viết chữ kiwi bình thường thành chữ kiwis. Trái kiwi du nhập vào New Zealand sau này cũng bắt nguồn từ tên gọi loài chim kiwi.
Ngày nay, du khách đến Te Puia còn có dịp thưởng thức chương trình nghệ thuật truyền thống của người Maori, cụng mũi kết bạn với họ và mua sắm những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc của tộc người huyền bí ở đảo quốc xa xôi này.
Bình luận (0)