Những người ít tiền hơn cũng bắt đầu nghĩ đến chuyện làm sao được như người khác nhưng lại... ít (hoặc không) tốn tiền, ví như chuyện đi bộ mỗi sáng chẳng hạn. Nhưng dù cách nào, tôi cũng cam đoan rằng, nếu không có cơ sở khoa học và không kiên trì thì đều thất bại.
Thời "niệu liệu pháp"
Vào những năm giữa thập niên 80 của thế kỷ 20, anh Bình Phương - một cây bút có tiếng từ thời báo Dân của tỉnh Bình Trị Thiên - vẫn còn là một thanh niên chưa vợ khỏe như vâm, không hiểu sao, anh lại mê "luyện công" theo phương pháp "gạo lứt muối mè". Tuổi trẻ ham chơi, chúng tôi vẫn coi sức khỏe là một cái gì đó rất... đương nhiên, nên mỗi khi nghe anh "thuyết giáo" đều để hết ngoài tai. Bình Phương thì ngược lại, anh chép tay (hồi đó chưa có photocopy) một tập tài liệu nói về công hiệu của món cơm nấu bằng gạo lứt (gạo chưa giã) ăn với muối mè (vừng). Theo anh nói, thì nếu cứ "chiến đấu trường kỳ" như thế người sẽ không có bệnh tật và... khỏe hẳn ra! Phương pháp này lan truyền nhanh như lửa cháy gặp cỏ khô. Một mặt vì cái thời khốn khó ấy sinh ra nhiều bệnh tật nhưng thuốc thang lại ít; mặt khác, làm được đồng tiền đổ cả máu mắt nên xem ra trị bệnh và bồi bổ sức khỏe kiểu này có vẻ như là khả thi nhất nên không khó cắt nghĩa khi mọi người đua nhau chiến đấu với "gạo lứt muối mè"...
Quanh quanh mất mấy năm, gặp lại Bình Phương, tưởng anh đắc đạo "gạo lứt muối mè", không dè người anh khô như một que củi, hai vai rút lên như cái mắc áo. Hỏi anh chuyện cũ, anh lắc đầu vẻ bí hiểm.
Phong trào "gạo lứt muối mè" chưa lắng xuống thì phong trào "niệu liệu pháp" lại lên. Phương pháp chữa bá bệnh này không biết bắt nguồn từ đâu nhưng cũng chuyền tay nhiều người lắm. Đến nỗi "nhà nhà niệu liệu pháp, người người niệu liệu pháp" (Nói cho hoa mỹ thế nhưng thực chất đây chỉ là chuyện uống nước tiểu của mình mỗi sáng). Cho đến bây giờ, tôi vẫn không thể quên được hình ảnh Nguyễn Quang Lập - lúc ấy đã là Tổng thư ký Hội VHNT Bình Trị Thiên trẻ nhất nước, là "hiện tượng" văn học và sân khấu nước nhà - sáng dậy cầm cái ca đi ra bờ rào, "niệu liệu pháp" hết một ca. quay đầu thấy tôi, Lập cười như vừa hoàn thành một việc mà cả đời tôi cũng không thể nào làm được. Tôi thề có dí súng vào cổ, tôi cũng bảo không!
Sau này mới biết, anh Bình Phương cũng đã nhanh chóng bỏ "gạo lứt muối mè" để thực hành "niệu liệu pháp" từ trước đó. Không biết thứ gì đã làm anh ra nông nỗi như bây giờ?
"Niệu liệu pháp" rồi cũng nhanh... rã đám, người ta bắt đầu chép tay bài thuốc tỏi ngâm rượu; bảo mỗi ngày chỉ uống vài giọt thôi cũng đã là... thần dược. Coi bộ chuyện này không khó, vợ tôi đi chợ, bóc tỏi ngâm một chai cho tôi "theo kịp thời đại". chai rượu đó tôi chưa đụng đến một giọt, bây giờ vẫn còn vì khi mang cho thì... không còn ai nhận. Xem ra người ta cũng đã chán rồi.
Thứ gì cũng "ngâm"
Ít lâu sau bài thuốc "tỏi ngâm rượu", phong trào "ngâm" đột ngột dâng cao. Cho đến nay thì hầu như thứ gì cũng có thể ngâm rượu để thành... thần dược. Tôi không phải là nhà "ngâm rượu học" nhưng nhờ bạn đi đâu về cũng cho người một bình nhỏ, nhiều người mà thành, đến nay ở gầm cầu thang cũng đã có trên cả trăm loại rượu... ngâm: Từ con hải sâm vùng biển Trường Sa; sâu chít lấy từ cây đót tận Điện Biên - Lai Châu; tổ ong vò vẽ từ rừng Quảng Bình; mật cá chình đen từ động Phong Nha; tắc kè chính gốc ở Lào; cá ngựa ở Phú Quốc; nhung hươu từ Hương Sơn; rắn đẻn từ Nhật Lệ; cây xương rắn từ Bạch Mã; sâm trên đỉnh Ngọc Linh; bìm bịp cả đôi từ Hòa Bình; dâm dương hoắc từ Sa Pa; bổ củi tận Campuchia; rồi pín này, pín nọ... thôi thì kể cũng khó mà hết được.
Có cái lạ là ở nhà, tôi chưa từng tự rót cho mình một ly rượu để uống xem nó bổ béo thế nào, nên một lần, tôi quyết định mời bạn bè đến rồi trịnh trọng lau bụi trên khoảng chục bình rượu, chắt mỗi thứ một ít pha chung vào để đãi bạn. Đến bình nào, tôi đều kể lịch sử về nó (do người cho rượu nói lại) đại để thế này:
- "Các ông biết không, mỗi buổi sáng con dê đực đứng trước chuồng, con dê cái nào đi ra cũng bị nó "kiểm duyệt một cái". Lâu lâu, người ta lại thấy nó chạy ra một đoạn, ăn cái lá gì đó rồi tiếp tục công việc "kiểm duyệt" của mình. Tìm hiểu, mới biết đó là cây dâm dương hoắc. Người ta bèn bứt lá về phơi khô để dùng. Có nhiều cách: nếu không vội gì thì ngâm rượu uống dần; vội hơn một chút thì sắc nước uống; vội quá thì... nhai luôn lá. Nhưng nhớ là không được nhai nhiều...". Có lẽ nhờ những câu chuyện đại loại như thế, với lại, rượu đãi cũng chẳng tốn tiền nên ai cũng ráng...
Chiều hôm sau, Đồng - một người trong đám bạn - hớt hải đánh xe đến gõ cửa nhà tôi, miệng không ngừng: "Tuyệt vời! Tuyệt vời! Sáng nay vợ tớ dậy sớm, vừa lau nhà vừa ti tỉ hát liên khúc dân ca ba miền Trung - Nam - Bắc. Tớ ngủ dậy đi ngang, thấy mặt nàng hơn hớn, lại còn bẹo một cái rõ đau: "Cái anh này, hôm qua uống gì mà ghê thế! Chiều nay thấy tớ về sớm, nàng nhắc: "Hôm nay không đến nhà Thế Thịnh uống rượu nữa à?". Ông còn cái lá gì hoắc đó không, cho tớ vài lá".
Thấy mặt mày tên này đầy khả nghi, nhưng tôi vẫn lấy cho hắn một nắm lá. Hắn đút túi, nhe răng cười rồi phóng thẳng.
Sau đó ít lâu, lại có dịp tụ tập bạn bè, mang chuyện ấy ra hỏi, ai cũng lắc đầu quầy quậy: "Trời ơi, uống đến quắc cần câu còn thấy đâu trời đất mà hỏi với han!". Đồng thú nhận: "Chẳng thấy động tĩnh cái quái gì cả. Chỉ có điều, tôi mang câu chuyện ông kể kể lại với sếp tôi. sếp hào hứng quá nên tôi bịa chuyện để ông cho vài lá; quà biếu sếp thế là nhất đấy!".
Lại nhớ thầy thuốc thường nhắc, uống thuốc phải bắt mạch, kê đơn; tạng gì thì hốt bao nhiêu thang, mỗi thang sắc bao nhiêu nồi, mỗi nồi đổ bao nhiêu bát nước, mỗi bát bước lấy mấy cốc; mỗi cốc uống mấy lần... Như vậy, muốn công hiệu cũng phải kiên trì chờ cho thuốc ngấm; rượu thuốc cũng vậy thôi, có cao gan trời ngâm rượu mà uống đến say một lần thì cũng... bõ!
Trẻ khỏe không mất tiền!
Thấy người ta đua nhau hỏi han phương thức tập luyện, bồi bổ sức khỏe, xem ra cũng sốt ruột. Nhưng ngẫm lại thứ quý như thần dược kiểu "nhân sâm ngàn năm" thì mình không đủ tiền mua; thứ đòi hỏi kiên trì thì mình không kiên trì được. Ngày nào cũng nghe người ta ơi ới rủ nhau đi bộ, đánh tennis, cầu lông mà công việc mình lại chẳng có thời gian vào lúc ấy. Với lại, lâu lâu lại hay tin một ông đi đánh tennis bị đột quỵ, một anh đi bộ buổi sáng bị xe tông, một chị đánh cầu lông do loãng xương nên gãy đùi... nên cũng ngán!
Ngồi ước có ông tiên nào đó cho mình một... điều ước thì hay biết mấy, chỉ cần... ước một cái rẹt là xong; nhưng tiên cũng chỉ có trong truyện thần thoại.
May sao nhớ lại, cách đây 5 năm, có người mua tặng ba tôi quyển sách Suối nguồn tươi trẻ, không thấy ba tôi tập lần nào, bèn lấy ra đọc và... ha ha... bắt được vàng rồi! Một ông Peter Kelder nào đó đã viết một câu chuyện cực kỳ hấp dẫn về ngài đại tá Bradford với việc tìm ra 5 phương pháp tập thể dục của người Tây Tạng xưa vốn được giữ kín trong các tu viện ẩn náu trên dãy Himalaya mà chính ông đã luyện tập để biến ông thành người như thời... trai trẻ. Một ông già về hưu biến thành một thanh niên cường tráng thì còn gì nữa mà chần chừ? 5 thức tập quá dễ; tập lúc nào cũng được... quá phù hợp với một tên lười biếng như tôi.
***
Một buổi chiều, trong một bữa cơm giao dịch, người khách mới quen hỏi tôi:
- Xin lỗi, anh năm nay đã đến bốn mươi chưa?
Tôi ngước mắt nhìn anh ta, giọng đầy kiêu hãnh:
- Tôi năm mươi tuổi!
- Trời ơi! Tôi cứ tưởng anh mới ba tám, ba chín tuổi! Anh tập môn thể thao nào hay uống thuốc gì mà hay quá vậy?
Giọng tôi đầy bí hiểm:
- Tôi tập Suối nguồn tươi trẻ, bí truyền của tu sĩ Tây Tạng.
Vị khách sốt ruột:
- Thưa, làm sao anh có, anh tập đã lâu chưa?
Tôi thủng thẳng từng nhát một:
- Tổng cộng được... ba ngày!
Vị khách tròn xoe mắt, há hốc mồm kinh ngạc:
- Thế thời gian trước khi chưa tập, anh có trẻ thế này không, người ta thường đoán anh bao nhiêu tuổi?
Tôi tu một hơi hết ly bia như để khẳng định sức khỏe của mình, đoạn đặt xuống bàn, rồi ngước lên nhìn vào mắt vị khách tò mò:
- Thường lúc đó họ vẫn đoán tôi... ba mươi tuổi!
Tái bút: Như đã nói ban đầu, phàm luyện thứ gì cũng phải kiên trì, Suối nguồn tươi trẻ cũng vậy; loại trừ tôi là người lười biếng, nếu bạn đọc nào tự thấy mình là người kiên trì và thực sự muốn luyện tập, xin tặng 5 thức tập Tây Tạng (bằng ảnh - theo Suối nguồn tươi trẻ): Các Lạt ma cho rằng, thân thể con người có 7 trung tâm năng lực, người Hin Đu gọi đó là luân xa, mỗi luân xa tập trung vào một trong số 7 tuyến nội tiết của con người và nhiệm vụ của nó là kích thích hocmon. Thức tập của người Tây Tạng là kích thích cho các luân xa này hoạt động (ảnh 1). 5 thức tập cơ bản (thứ tự từ ảnh 2 đến ảnh 6); còn có thêm một thức phụ (có thể gọi là thức thứ 6), thức này có thể tập bất kỳ lúc nào. Chỉ lưu ý một điều là người tập phải hít sâu với các động tác ngửa cổ và thở ra với những động tác gập cổ lại. Có dịp, chúng ta sẽ trở lại vấn đề này kỹ hơn. N.T.T |
Phóng sự của Nguyễn Thế Thịnh
Bình luận (0)