Có lẽ vì hòn đảo bé nhỏ, mang dáng dấp như một ngũ hành sơn trên mặt biển bao la chứa nhiều điển tích hay và lạ hấp dẫn mọi du khách.
Vừa rồi, được dịp trở lại Lý Sơn trong một chuyến đi khá vất vả bởi cơn gió nghịch mùa, tôi đã có những khoảnh khắc bâng khuâng xen lẫn lạ lùng…
tin liên quan
Thăm Crete hòn đảo thiên đường của Hy LạpTừ bến cảng Piraeus nằm ở phía nam thủ đô Athen, chúng tôi lên tàu Knossos Palace ra đảo Crete, hòn đảo lớn nhất của Hy Lạp.
Tôi thuê chiếc xe máy trọn đủ 3 ngày để rong chơi khắp đảo cho thỏa thích. Lẩn mẩn men theo con đường mới mở bằng bê tông lấn biển, tôi tìm đường đến Tò vò Thạch môn nằm gần núi giếng Tiền có di tích chùa Đục linh thiêng huyền bí.
Trên con đường xi măng to rộng bon bon, tôi nhớ lại chuyến đi 6 năm về trước. Lúc ấy, ra đảo rất cực khổ, tàu chạy chậm rì rì, nắng nôi vất vả nhưng khung cảnh Lý Sơn bấy giờ hoang sơ và xinh đẹp vô cùng. Men theo những con đường nho nhỏ, tôi lang thang bãi biển và ngắm các ngư dân phơi cá dọc trên bờ thật vui.
Còn bây giờ, con đường bê tông dài lấn biển tạo thành một vòng cung khô cứng, lạnh lùng. Các dịch vụ kiêm bảo tồn trên đảo thoáng nhìn thì thấy mới lạ, nhưng thực sự thì tất cả đã làm biến dạng, mất cảnh quan tuyệt đẹp của hòn đảo nên thơ.
Đêm dần buông, dưới ánh trăng non đầu tháng, tôi nhẩn nha thưởng thức các món ăn lạ của Lý Sơn như cá bù nú hấp hành, nộm giá đậu ván với tôm, chả cá mắt đỏ và cá dìa nướng muối tỏi ớt, ngon nhức nách.
Hôm sau, tôi tìm đến xã An Hải để tìm giếng nước Xó Lá cùng các địa danh như Hang Cò, Hang Cau và tiến lên đỉnh Thới Lới. Nhờ một cô gái chạy cùng chiều chỉ dẫn nhiệt tình, đưa tôi đi cả ngày để viếng các di tích, tôi được thăm Đình An Hải cổ xưa mang dấu ấn của lễ hội cầu ngư, chèo thuyền đón Ông Nam Hải về ngự, ngắm giếng nước Xó Lá nằm sát biển là nguồn nước ngọt cung cấp đã vài trăm năm cho cư dân trên đảo. Xem ra giếng nước này thật lạ, tạo nên nét diệu kỳ, minh chứng cho sức sống Lý Sơn.
Đêm hôm ấy, giấc ngủ của tôi được ru bằng cơn mưa ào ạt trên hòn đảo xa xăm này, hòa cùng tiếng cuồng phong gầm gừ của biển cả bao la. Trong âm vang giữa muôn trùng sóng vỗ, tưởng như đâu đó có tiếng thét của người lính hải đội Hoàng Sa năm xưa. Họ đã thề giữa đất trời rằng, dù phải nát thịt tan xương, các chiến binh vẫn không bao giờ rời bỏ đảo.
Bình luận (0)