Mẹ ơi, mẹ ở đâu?

14/03/2016 08:41 GMT+7

Khi cầm chiếc micro đứng trước máy quay để nói về trường hợp một bà mẹ bị nhầm con 29 năm trước, giọng tôi đã lạc đi và nước mắt thi nhau rớt xuống.

Khi cầm chiếc micro đứng trước máy quay để nói về trường hợp một bà mẹ bị nhầm con 29 năm trước, giọng tôi đã lạc đi và nước mắt thi nhau rớt xuống.
Đó là chiều 11.3, khi vụ nhầm con thứ hai được người nhà lên tiếng với Báo Thanh Niên. Trước đó 3 ngày, một bà mẹ nhầm con suốt 42 năm cũng đã khóc nức nở khi gọi điện cho chúng tôi từ nước Anh. Nhầm con, chuyện tưởng hi hữu, mà bây giờ đã hiện hữu giữa thành phố nhỏ bé này những nỗi đau rất thật.

Bà Nguyễn Thị Mai Hanh, người mẹ nhầm con 42 năm, nói chuyện từ nước Anh với chúng tôi qua video call - Ảnh: Lê Nam

Chị là Tạ Thị Thu Trang, sinh ngày 10.10.1974 tại nhà hộ sinh quận Ba Đình (ngõ Hàng Bún, phố Phan Huy Ích, Hà Nội). Chị mang số 32 ở chân, nhưng lại được trao cho bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, người mang số 33. Bà Hạnh biết là con bị trao nhầm rồi nhưng không thể làm gì khác, vì lúc đó nhà hộ sinh chỉ còn một mình bé Trang.
Chị Tạ Thị Thu Trang khóc rưng rức, không ngày nào chị không hỏi: “Mẹ ơi, mẹ ở đâu?”
Suốt 42 năm qua, bà Hạnh cất giấu bí mật cho riêng mình, bà vẫn yêu thương Trang hơn cả 3 người con còn lại trong nhà. Chỉ đến tháng 10.2015, biết mình sức khỏe ngày càng yếu, bà Hạnh mới tiết lộ kết quả giám định ADN cho con gái. Chị Trang gục ngã, người yêu thương chị bấy lâu, hi sinh tất cả vì chị không phải là mẹ đẻ chị.
Chị là Lê Thanh Hiền, chị sinh ngày 12.12.1987 ở nhà hộ sinh quận Đống Đa (ngõ Thổ Quan, phố Khâm Thiên). Cô hộ sinh đưa chị cho bố khi con số trên đùi chị đã bị mờ, nhưng cả nhà không một ai nghi vấn gì. 27 năm trôi qua, chị Hiền lấy chồng rồi sinh con, chị thắc mắc tại sao mình nhóm máu B, cả nhà đều nhóm máu O, mình cũng khác lạ hình dáng, tính cách tất cả mọi người.
Chị Hiền đi giám định ADN, sự thật đã quật ngã một người phụ nữ bình thường vốn vô cùng mạnh mẽ: bà Phan Thị Tuyết Hoa, người mẹ yêu thương chị hết mực, không phải người sinh ra chị.

Chị Lê Thanh Hiền òa khóc khi không biết mẹ đẻ của mình đang nơi đâu - Ảnh: Lê Nam

Cả hai câu chuyện, nhầm con 42 năm - nhầm con 29 năm, diễn biến khác nhau, tình tiết khác nhau, nhưng đều giống nhau ở những nỗi đau. Những bà mẹ đi quá nửa cuộc đời vẫn đau đáu câu hỏi: Đứa con tôi dứt ruột đẻ ra nay đâu? Con có được mặc ấm khi giá rét, có được ăn uống no đủ, học hành đàng hoàng? Và những đứa con lạc mẹ, đến bây giờ, dù sự nghiệp vững vàng, gia thất ấm êm, vẫn nhói đau khi nghĩ về nguồn cội: Con là ai trong cuộc đời này? Con từ đâu đến?
Chúng tôi chưa thể quên gương mặt thất thần của chị Tạ Thị Thu Trang lúc ôm cô con gái nhỏ 9 tuổi trong vòng tay. Chị bảo, suốt 5 tháng qua, từ ngày biết chị không phải con gái đẻ của mẹ, chị vẫn ngày ngày bán bún trên vỉa hè phố Quán Thánh, thế nhưng chị như người mất hồn.
“Một tiếng chuông điện thoại cũng làm tôi hốt hoảng. Tôi nhấc máy và cứ chờ đợi, đầu dây bên kia nói, tôi đã tìm thấy mẹ. Nhiều đêm không ngủ, tôi tuyệt vọng, tại sao mọi người có mẹ có cha, còn tôi không biết mẹ đẻ mình là ai nữa”, vai người phụ nữ ấy rung lên.
Tôi đã bảo mình phải mạnh mẽ, bình tĩnh trước những tình huống như thế. Nhưng khó quá. Sống mũi tôi cay, mắt tôi cay tôi không hỏi được chị Trang câu nào nữa.
Và cảm xúc ấy lặp lại ngày 11.3, khi tôi ngồi đối diện chị Lê Thanh Hiền, người con lạc mất mẹ đẻ 29 năm. Tôi khóc theo chị Hiền, khi nghe chị nức nở: “Tôi không oán trách nữ hộ sinh, không oán trách mẹ, dù vì bất cứ điều gì để mẹ phải xa tôi 29 năm. Tôi chỉ muốn biết mẹ là ai. Mẹ ơi, mẹ ở đâu? Mẹ có biết là con đang ngóng trông mẹ lắm không?”.
Hay tôi không chuyên nghiệp, đang làm lại khóc nhè? Hay tôi là kẻ yếu đuối? Chắc không phải, tôi khóc vì tôi là con gái, của mẹ tôi. Tôi nhìn chị Trang, chị Hiền, và nhớ đến những ngày còn nhỏ, mỗi khi được mẹ cho về bà ngoại, lúc đầu thì rất thích, nhưng nếu mở mắt dậy sau giấc ngủ trưa, không thấy mẹ, tôi gào khóc: Mẹ ơi, mẹ đâu?
Tôi nhớ đến những trưa mùa hè nắng cháy năm tôi lớp 7, mẹ làm công nhân, tôi xách cặp lồng cơm, chạy băng băng qua cánh đồng cỏ dại, reo lên từ xa: Mẹ ơi, mẹ đâu? Con mang cơm đến đây! Tôi nhớ đến ngày khai giảng lớp 10, năm đầu tiên tôi đi học xa nhà, giữa một sân trường kín đặc người, tôi ngóng ra ngoài cánh cổng: mẹ đâu, để khi nhìn thấy bàn tay người phụ nữ thân quen đang vẫy vẫy, tôi bật khóc.
Nhiều bạn đọc hỏi sao chị Trang, chị Hiền còn phải tìm mẹ đẻ làm gì, cuộc sống bây giờ đang hạnh phúc ấm êm, chẳng thiếu thốn gì, sao không im lặng để sống cuộc đời bình lặng. Có người thắc mắc, chắc gì tìm được mẹ đẻ thì các chị đã vui, chắc gì mẹ con đã hòa thuận, yêu thương nhau, đừng xới nỗi đau lên nữa.
Mọi người đều có quyền được có mẹ, để nhớ, để thương, để yêu, để chờ, để mong, để làm nũng và hờn dỗi, tại sao các chị lại không? Tình mẫu tử ruột rà thiêng liêng lắm, nhưng các chị chưa một ngày được ở trong vòng tay của người mẹ sinh thành ra mình, để nghe hát ru, mớm sữa.
Giờ này, chắc chị Trang đang mải mê bên nồi bún riêu cho khách. Còn chị Hiền chắc cũng đang tất bật trong nhà máy với những cuộn chỉ khâu. Nhịp sống vẫn hối hả trôi đi. Ngày mai, ngày mốt, những tin bài, những phóng sự “nhầm con” trên hàng loạt các tờ báo mạng, các bản tin truyền hình rồi sẽ vơi dần, lặng xuống.
Đến lúc đó, các chị đành lặng thầm trong những hành trình đầy nước mắt tìm kiếm mẹ. Cổ tích ơi, đến sớm được không? Mẹ ơi, mẹ ở đâu?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.