Người phụ nữ ấy là Nguyễn Thị Mai Hạnh, trú ở phố Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Ngày 10.10.1974, tại nhà hộ sinh quận Ba Đình, bà sinh một bé gái được ghi mực xanh ở đùi số 33, tuy nhiên sau khi nhận con, nữ y tá đưa cho bà một bé gái mang số 32 - em bé được đặt tên Tạ Thị Thu Trang sau này.
Người phụ nữ nhất quyết không nhận con và nói “các cô nhầm rồi”. Y tá kiên quyết nói, chỉ còn em bé này thôi, bà sợ người ta cũng bế em bé đi mất, đành bế con về nhà trong một nỗi niềm đau đáu: “Người ta đã mang nhầm con mình đi đâu mất rồi”.
Duyên cớ đưa tôi đến với câu chuyện ngang trái, tưởng chỉ gặp trong phim Hàn Quốc ấy là một thông tin trên mạng xã hội. Một tài khoản đăng tìm người nhà. Sau này tôi mới biết, người đăng tin là cháu ngoại của bà Mai Hạnh, cũng chính là con trai của chị Tạ Thị Thu Trang, thương bà, thương mẹ, thương hai người phụ nữ chịu nhiều khổ đau và mất mát, anh đã đăng lên nhờ Facebook chia sẻ, lan tỏa.
tin liên quan
Người mẹ bị trao nhầm con suốt 42 năm ở Hà NộiNữ y tá trao nhầm con cho một bà mẹ, để rồi trong suốt 42 năm qua, người mẹ nuôi cô con gái được trao nhầm với câu hỏi luôn đau đáu "vậy con gái đẻ của tôi đang nơi đâu?"
Từ bài báo đầu tiên về số phận của bà Nguyễn Thị Mai Hạnh và chị Tạ Thị Thu Trang đăng trên báo Thanh Niên, nhiều tờ báo và các đài truyền hình cùng đồng loạt thông tin về những diễn biến quanh câu chuyện éo le này.
Khoảnh khắc bà Nguyễn Thị Mai Hạnh như ngã khuỵ khi cầm trên tay kết quả giám định ADN, trong đó ghi rõ chị Tạ Thị Thu Trang không phải con gái đẻ của bà; Những cuộc tìm kiếm trong nước mắt của cả chị Trang và bà Hạnh đi tìm người thân ruột thịt; Những cuộc điện thoại sẻ chia của bạn đọc khắp cả nước; Sự vào cuộc của cơ quan công an, Sở Y tế Hà Nội, cán bộ nhà hộ sinh trước đây; Những người có ngày sinh 10.10.1974 đến nhận chị em với chị Trang và sau đó ngậm ngùi không phải vì không trùng khớp kết quả ADN... tất cả các diễn biến mới nhất xoay quanh câu chuyện nhầm con 42 năm từng có một thời gian “nóng” trên các mặt báo và các bản tin thời sự buổi tối.
Cuối tháng 3.2016, sau nhiều nỗ lực tìm kiếm nhưng không có kết quả khả quan, gia đình bà Nguyễn Thị Mai Hạnh ngậm ngùi bảo với chúng tôi: “Chúng tôi xin dừng kiếm tìm cô ạ. Có lẽ thông tin liên tục những ngày qua trên phương tiện truyền thông cũng đã tới được người thân thiết ruột thịt của chúng tôi. Nhưng hãy để họ có thời gian để đắn đó, suy nghĩ xem có nên chấp nhận thực tế, mình từng là người con bị trao nhầm hay không. Mọi chuyện đều cần có thời gian. Chúng tôi sẽ đợi...”.
tin liên quan
Trao nhầm con 42 năm ở Hà Nội: Gia đình tạm dừng tìm kiếmChiều nay 17.3, gia đình chị Tạ Thị Thu Trang (sinh ngày 10.10.1974, bị trao nhầm 42 năm trước tại nhà hộ sinh quận Ba Đình) đã quyết định tạm dừng việc tìm kiếm người thân.
Câu chuyện nhầm con lan tới sân bay nước Anh
Không còn là những cô cậu phóng viên đã quen hết mặt những người con, cháu của bà Nguyễn Thị Mai Hạnh trong căn nhà nhỏ phố Quán Thánh, chúng tôi, những người thực hiện loạt bài về câu chuyện nhầm con 42 năm trở thành những người bạn bè thân thiết của gia đình.
Thi thoảng đi đâu ngang qua, tôi cũng tạt ngang ngôi nhà đầy lá xà cừ rụng trước hiên nhà, để được uống một ly nước trà nóng của vợ chồng chị Tạ Thị Thu Vân (chị gái chị Trang), nói những câu chuyện vui về Hà Nội, chuyện gánh bún riêu của chị Trang hay sức khoẻ của bà Hạnh, người bay đi bay về giữa nước Anh và Việt Nam như đi chợ.
Anh Thành, chồng của chị Vân kể cho chúng tôi hay sự kỳ diệu của việc lan toả thông tin thời đại số. Đó là hồi tháng 3.2016, trong một lần sang Anh thăm con gái sinh em bé, bà Hạnh đang ngồi ở sân bay nước Anh thì gặp hai người phụ nữ khác cũng đến từ Việt Nam.
|
Những người đồng hương nói chuyện rất thân thiết như đã quen thân từ lâu lắm. Hai người phụ nữ mới gặp vồn vã khoe với bà Hạnh câu chuyện đang “nóng” ở Việt Nam những ngày qua, một bà mẹ bị y tá trao nhầm con suốt 42 năm, gia đình đang đi tìm kiếm.
Bà Hạnh ngồi cạnh hai người bạn mới quen, rưng rưng. “Bà ơi, tôi chính là người mẹ bị trao nhầm con trong câu chuyện đó đây”, bà Hạnh nói. Họ không tin, cho đến khi mở báo điện tử ra xem lại và ôm lấy người phụ nữ nhỏ bé đang khóc nức nở trước mặt mình.
Trái đất tròn và luôn có những sự ngẫu nhiên, tình cờ đến bất ngờ. Câu chuyện ấy càng là cơ sở để bà Hạnh tâm niệm rằng, con gái đẻ của bà, dù ở nơi nào trên trái đất này, Anh, Pháp hay châu Phi xa xôi, cũng đã biết bà đang đi tìm con...
Sự kỳ diệu của số phận
Tôi, tự thừa nhận là một người yếu đuối và mau nước mắt, đã nhiều lần khóc khi nghe bà Hạnh hay chị Trang kể về những nỗi niềm riêng. Một người đau đáu muốn biết con gái đẻ của mình là ai, một người chỉ quẩn quanh câu hỏi, mẹ đẻ mình đang nơi đâu, mẹ là ai, còn sống hay đã chết.
Bà Hạnh từng đứng ngẩn ngơ trước cổng trường mà các cháu bé trạc tuổi chị Tạ Thị Thu Trang đang học, để tìm kiếm một gương mặt thân quen, để vồ vập hỏi: Cháu ơi cháu có ngày sinh 10.10.1974 không? Còn chị Trang, từng khóc sưng mọng mắt và mất ngủ triền miên nhiều đêm khi vào đúng ngày sinh nhật năm 41 tuổi của mình được bà Hạnh kể về câu chuyện, mình không phải con đẻ của mẹ.
|
Thế nhưng, trái đất này thật tròn, và như tôi nói, luôn có những bất ngờ ngẫu nhiên, kỳ diệu.
Một ngày đẹp trời, khi mà các bản tin trên các tờ báo và đài truyền hình lắng xuống về câu chuyện “nhầm con”, chị Trang và bà Hạnh đã tìm được người thân ruột thịt thật sự của mình. Không dễ dàng để cô bé mang số 33 ở đùi năm nào chấp nhận một thực tế, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh mới là mẹ đẻ của chị. Cũng không dễ dàng, một người đàn ông và đàn bà ngoài 70 tuổi, đến khi gần giã từ cuộc đời, mới biết mình có một cô con gái ruột tên là Tạ Thị Thu Trang.
Thế nhưng, thời gian là phép thử kỳ diệu nhất. Họ đã có một cuộc gặp gỡ đẫm nước mắt vào cuối năm 2016, không có ống kính của truyền thông và những bản tin. Nói như chị Trang, hãy để mọi thứ thật sự tự nhiên, điều mà chị luôn muốn nói là “Cảm ơn cuộc đời và cảm ơn báo chí đã đồng hành cùng tôi trong hành trình tìm mẹ”.
|
Cuối năm 2016, một tin vui nữa cũng đến với gia đình bà Hạnh và chị Trang là chị Trang sinh một bé trai, ở tuổi 42, người con thứ 4 trong gia đình chị. Em bé rất kháu khỉnh, giống bố y hệt. Ngày chúng tôi tới khu tập thể Kim Liên thăm, chị Trang hớn hở khoe một chiếc vòng tay làm bằng nhựa có cúc bấm, trên đó ghi tên em bé và tên của mẹ, đó là chiếc vòng các y bác sĩ đã đeo vào tay em bé ngay khi vừa chào đời. Chị cất chiếc vòng rất cẩn thận, trong một chiếc tủ.
“Khi cúc bấm mà tuột ra, thì không đeo lại được. Nên không thể đeo vòng này vào tay cháu khác. Cứ như thế này thì không bao giờ nhầm con được, cô Hằng nhỉ”, chị Trang cười giòn. Trong đôi mắt ấy bao nhiêu là giọt nước...
Bình luận (0)