'Cái gì của césar hãy để césar quyết định'

27/06/2016 15:38 GMT+7

Tôi đã muốn sửa lại câu “Hãy trả cho César những gì của César” của chúa Jesus như vậy. Nguồn cơn cũng từ câu chuyện dòi lúc nhúc trong phần cơm của ký túc xá sinh viên Đại học Quốc gia.

Vệ sinh an toan thực phẩm (VSATTP) đang là vấn nạn nhức nhối của người Việt. Không chỉ liên quan tới sức khỏe trước mắt mà còn ảnh hưởng lâu dài tới sức mạnh giống nòi. Báo chí đã tốn không biết bao giấy mực nhưng tình hình thực tế vẫn ngày càng trầm trọng. Thực bức xúc và kinh hoàng với clip “Phần cơm ký túc xá có dòi bò lúc nhúc”. Thông tin cho biết, chủ nhân của phần cơm dòi là nữ sinh viên đại học Nông Lâm. Bạn ấy đã ăn nửa chừng mới phát hiện và “phải móc họng ói ra”. Mấy bạn ngồi ăn cùng cũng bỏ bữa vì quá hãi.
Tôi dám chắc, mấy ngày sau, bạn ấy vẫn chưa thôi bị ám ảnh. Tôi cũng tin chắc, bạn ấy không phải là người đầu tiên mua phải cơm trưa có dòi. Chắc chắn, có nhiều bạn mua và ăn nhưng không ai để ý, nhất là đám con trai, thường háu ăn hơn. Khi ăn, nào có ai soi kỹ xem có dòi hay không. Và nếu có cố nhìn, thì bữa cơm đó không thể ngon miệng. Thời đại internet, chỉ mấy phút sau “tai nạn”, cộng đồng mạng dậy sóng và Ban quản lý (BQL) KTX xuống kiểm tra thì dòi vẫn tươi nguyên và mạnh khỏe. Chủ căn- tin lập tức bị đình chỉ. Trước đó, căn tin này đã nhiều lần bị phản ánh. Chủ quán cũng đã mấy lần hứa hẹn sửa sai, nhưng sau đó, đâu vẫn vào đấy.
Sinh viên đều trên 18 tuổi, có đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ và cả quyền lợi công dân nhưng vẫn đang được đối xử như “học sinh cấp 4”. Chỉ cần thay đổi nhận thức, thật sự trân trọng sinh viên thì BQL đỡ cực mà mọi việc sẽ khác. Căn- tin của sinh viên, hãy để sinh viên quyết định vì các em thường xuyên sử dụng. Từ việc chọn thầu đến kiểm tra VSATTP, chất lượng, thái độ phục vụ và cả việc sửa sai, nếu có.
VSATTP và chất lượng bữa ăn của sinh viên là đề tài “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Khi đi dạy, tôi vẫn thường ăn cơm chung với sinh viên KTX. Thi thoảng cũng ăn ngoài. Điều dễ thấy là VSATTP cả hai bên đều không rõ. Chất lượng và giá cả cũng tương đương. Chỉ khác là căn- tin tiện lợi hơn vì trong khuôn viên nhà trường. Đó là sự vô lý. Bởi căn tin trường luôn được ưu đãi hơn về mặt bằng và cả thuế. Căn tin nào cũng được đấu thầu kỹ lưỡng, có BQL thường xuyên kiểm tra. Hay là căn tin còn phải chi lót tay để trúng thầu, để lấy lòng BQL, xuê xoa và du di chất lượng? Nhiều cựu sinh viên, từ vừa ra trường cho tới tốt nghiệp cả chục năm đều chung nhận định: “Căn- tin trường nào mà chả thế. Cơm sinh viên mà cứ như cơm thí”.
Nói vậy, tội cho “cơm thí”. Các quán cơm xã hội trước 1975, các quán cơm “Nụ cười”, “2.000 đồng”… hiện nay được tổ chức và kiểm soát chặt chẽ VSATTP. Còn chất lượng và cả thái độ phục vụ thì ăn đứt các căn- tin đại học, cao đẳng bây giờ. Có người thắc : “Sao những căn- tin của mẫu giao và phổ thông ít bị phàn nàn hơn?”. Xin thưa, vì những căn tin ấy luôn có tai mắt là phụ huynh giám sát, khi đến đón con hoặc nghe con phản ánh. Lỗ hổng ở đây là cơ chế quản lý.
Tất cả sinh viên đều trên 18 tuổi, có đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ và cả quyền lợi công dân nhưng vẫn đang được đối xử như “học sinh cấp 4”. Chỉ cần thay đổi nhận thức, thật sự trân trọng sinh viên thì BQL đỡ cực mà mọi việc sẽ khác. Căn- tin của sinh viên, hãy để sinh viên quyết định vì các em thường xuyên sử dụng. Từ việc chọn thầu đến kiểm tra VSATTP, chất lượng, thái độ phục vụ và cả việc sửa sai, nếu có.
Mà đâu chỉ có chuyện căn tin. Rất nhiều việc khác, từ nhỏ đến lớn, liên quan đến mình nhưng sinh viên không hề được hỏi ý kiến, nói chi đến việc quyết định.
Từ chuyện chọn nhà tổ chức tham quan quan thực tập, đóng bảo hiểm, đồng phục, mời giáo viên thỉnh giảng cho tới việc tham gia các phong trào, các hoạt động… sinh viên đều được các thầy cô nghĩ thay và quyết hộ. Thậm chí, nhiều nơi còn “ăn bớt tiêu chuẩn” bằng các khoản hoa hồng, lót tay, trong khi nhà trường, đáng lẽ phải là thánh đường về đạo đức, về chuẩn mực tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của sinh viên. Chuyện “Cơm có dòi” vừa qua là hồi chuông báo động khẩn cấp. Phải chăng đây mới chính là gốc rễ và nguồn cơn của đạo đức xã hội hiện nay?
Suy rộng ra, nhiều chính sách liên quan đến người dân cũng được Bộ chủ quản và cán bộ thừa hành nghĩ thay, quyết hộ. Sao không hỏi ý kiến “người trong cuộc”, ít ra là để tham khảo trước khi ban hành. Đúng là, cái gì của César hãy để César quyết định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.