Chúng ta đang sống trong một cuộc sống có những cái rối rắm mà nếu tỉnh táo nhìn lại, mỗi cá nhân đều có thể nhận ra phần trách nhiệm của mình trong đó. Có lẽ sự xuề xòa, dễ dãi, chín bỏ làm mười ban đầu đã biến mỗi chúng ta trở thành người không dám lên tiếng chống lại sự sai trái; đợi đến khi sai trái biến thành một thực tế hiển nhiên và rộng khắp thì mới lên kế hoạch lập lại trật tự.
Có những điều rất giản dị, ví dụ như nơi có nhiều khách vãng lai thì nên xây nhà vệ sinh công cộng. Tốn kinh phí xây dựng nhà vệ sinh công cộng thì sẽ bớt tốn kinh phí dọn vệ sinh đường phố và làm sạch đẹp đường phố. Tiếc thay, nhiều thành phố và điểm du lịch lại không quan tâm xây nhà vệ sinh công cộng, khiến người có nhu cầu phải bậy ra ngoài đường hay trong những góc khuất, vừa làm dơ môi trường, vừa tốn tiền dọn dẹp vệ sinh.
Quảng cáo vốn là một nhu cầu quan trọng trong nền kinh tế phát triển. Thế nhưng, quảng cáo phải đúng nơi, đúng lúc, kiểu cách quảng cáo phải có trật tự và có văn hóa. Một người nào đó len lén dán lên tường một mẩu quảng cáo “Hút hầm cầu” kèm theo số điện thoại. Đáng lẽ cơ quan chức năng phải trị ngay kiểu quảng cáo này, liên hệ với công ty điện thoại để cắt số liên lạc. Tiếc thay, chuyện đó đã không bị xử lý; các quảng cáo bậy bạ khác thấy được làm theo. Vách tường, trụ đèn, trạm xe buýt nhan nhản những quảng cáo làm dơ con mắt, làm bẩn cuộc sống. Ngành văn hóa chào thua vì không kiểm soát được; nhà mạng điện thoại thì không bao giờ dám cắt số vì sợ giảm doanh số thuê bao.
Báo Thanh Niên đã có nhiều bài phản ánh và phê phán tình trạng câu, bắt cá trên những dòng kênh đẹp của TP.HCM. Một chuyện nhỏ như vậy chỉ cần cơ quan công an các địa phương hữu quan đồng loạt tham gia, xử lý một vài trọng điểm đến nơi đến chốn là đã có thể bảo vệ được đàn cá và các dòng kênh. Tiếc thay, tình hình xử lý nửa vời đã diễn ra. Kênh Nhiêu Lộc nay đã trở thành tuyến du lịch đường thủy nhưng việc câu và bắt cá vẫn được một số người tiếp tục thực hiện.
Đúng như thành ngữ nói “Cái sảy nảy cái ung” - những việc sai trái lúc mới manh nha nếu không được giải quyết rốt ráo có thể phát triển thành những thực tế rối rắm, những ung nhọt xã hội. Trên đất nước ta, lề đường bị chiếm dụng làm nơi buôn bán; chợ đông ngay dưới lòng đường; người phóng uế ra nơi công cộng; quảng cáo dán bát nháo các nơi; câu bắt cá trộm của nhà nước thả nuôi... diễn ra hằng ngày, không giống bất cứ một nước bạn nào ở cùng khu vực Đông Nam Á.
Để những ung nhọt đó xảy ra tất nhiên là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước. Thế nhưng mỗi công dân chúng ta cũng tự nên “xét tật mình” - nói theo ngôn ngữ của nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh. Nhiều khi, chúng ta cũng từng vô tư vứt một mẩu giấy ra đường hay trốn vào sau một gốc cây... Nhiều khi thấy việc dán quảng cáo sai trái diễn ra, chúng ta cũng đắp tai ngoảnh mặt không phản đối. Cứ vậy, những cái sảy hóa thành ung nhọt nghiêm trọng. Cũng do vậy mà đất nước ta có nhiều tuần lễ “ra quân lập lại trật tự” rồi đâu lại vào đó.
Bình luận (0)