Câu chuyện nhặt rác

Nguyễn Thế Thịnh
Nguyễn Thế Thịnh
27/03/2019 05:02 GMT+7

Vào giữa tháng 3 mới rồi, báo chí và cộng đồng mạng xôn xao quanh chuyện “vớt rác trên sông cũng phải xin phép”.

Sự thể bắt đầu từ việc một nhóm bạn tổ chức buổi vớt rác dọc một số con kênh thuộc P.Thảo Điền (Q.2, TP.HCM) nhưng đến khi hoạt động chuẩn bị diễn ra thì cơ quan chức năng địa phương hỏi giấy phép tổ chức và hoạt động này bị ngừng lại.
Ở Huế, từ năm ngoái, vào ngày cuối tuần, hàng trăm người trong nhóm “Cảm ơn dòng Hương” đã dành thời gian nghỉ của mình để cùng nhau đi vớt rác. Nhưng ở Huế thì không ai ngăn cản hoặc hỏi giấy phép.
Hai câu chuyện trên đặt ra một vấn đề là, chưa có một quy định cụ thể về việc tình nguyện làm vệ sinh môi trường, dẫn đến sự chào xáo không đáng có.
Người viết bài này nhất trí với ý kiến của một cán bộ phụ trách của P.Thảo Điền khi trả lời với báo chí, cho rằng “hoạt động này rất tốt, tuy nhiên các bạn trẻ không báo trước để phường hỗ trợ lực lượng chức năng. Đây là vấn đề liên quan tới an toàn sông nước, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người tham gia, nên phường buộc phải dừng lại tới khi nhóm xin phép đầy đủ”.
Không chỉ an toàn sông nước mà việc vớt xác động vật có mầm bệnh hoặc những loại rác có nguy cơ mất an toàn cao, người tham gia cần được hướng dẫn cụ thể, nói một cách ngắn gọn là người tình nguyện phải được trang bị kỹ năng. Kể cả vớt rác và tập kết hoặc tiêu hủy chúng.
Qua lời kêu gọi trên Facebook của anh Võ Thành An, ngày 24.3, hàng chục bạn trẻ đã cùng tham gia dọn rác ở bãi Đá Đen, Sơn Trà (Đà Nẵng) và được lãnh đạo TP gửi thư khen ngay sau đó. Nhưng nhìn các bạn trẻ leo trên bãi đá đầy rác dưới trời mưa, nhiều người thực sự ái ngại.
Câu chuyện một bạn trẻ ở TP.Đà Nẵng tình nguyện đi nhặt rác không may bị kim tiêm chích vào tay đã phải mất cả mấy tháng trời xử lý việc phơi nhiễm HIV, hay chuyện một thanh niên tham gia “thử thách nhặt rác” bị lạc 3 ngày 3 đêm trên núi Chứa Chan (Biên Hòa) là một bài học.
Quay trở lại với câu chuyện tình nguyện, không chỉ là tình nguyện làm vệ sinh môi trường mà cả những hoạt động khác, đơn vị tổ chức cần quan tâm hướng dẫn kỹ năng cho người tham gia. Và vì thế nó càng cần sự phối hợp, hướng dẫn của các cơ quan có chuyên môn.
Phong trào tình nguyện phát triển mạnh, không chỉ từ các tổ chức mà cả những cá nhân, nhóm bạn… đó là điều đáng mừng. Nhưng từ đó cũng bộc lộ những bất cập của nó như những câu chuyện đã dẫn ở trên.
Vì thế, rất cần có một quy định cụ thể cho các hoạt động tình nguyện để vừa đảm bảo chất lượng công việc vừa bảo đảm an toàn cho từng thành viên. Và dù quy định thế nào, xin phép ra sao thì cũng được quy về đầu mối, đừng để đùn qua đẩy lại làm nhụt ý chí và cảm hứng của người muốn làm việc tốt.
Người Nhật tóm tắt văn hóa của họ bằng một câu rất ngắn: “Không làm phiền người khác”. Đôi bên tình nguyện và quản lý làm sao để không phiền nhau thì việc tốt mới lan tỏa và nhân rộng với ý nghĩ đích thực của nó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.