Chia sẻ cùng miền Trung

“Đến hẹn lại lên” là cụm từ người ta thường nhắc đến các lễ hội, nói chung là chuyện vui, được tổ chức định kỳ hằng năm, nhưng cụm từ đó, bây giờ, đã dùng để chỉ về bão lũ miền Trung.

Năm nay, “đến hẹn”, bão lũ “lại lên”.
Thường thì khi bão vào sau đó kèm lũ dữ, nhưng năm nay, chỉ lũ thôi nhưng đến tối 16.10, đã có 24 người chết; 18 người bị thương, 20 tàu, thuyền bị chìm; 1 tàu đang mất tích. Từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế, mưa lũ làm hư hỏng 100.383 ngôi nhà; ngập úng 1.598 ha lúa và trên 9.480 ha hoa màu; trên 3.000 ha nuôi trồng thủy hải sản. Đó là những con số kinh hoàng!
Chia sẻ với đồng bào gặp hoạn nạn là một phẩm chất tốt đẹp đã trở thành truyền thống của dân tộc ta. Hằng năm, ngoài các tổ chức xã hội, các nhóm từ thiện, các doanh nghiệp, cá nhân, phải nói, các cơ quan báo chí là một trong những nhân tố đầu tàu. Hiện nay, khi mạng xã hội phát triển, chúng ta có thêm một lực lượng hùng hậu, đó là các cá nhân, các nhóm bạn... họ rất nhanh nhạy và với một tấm lòng trong sáng hướng về sự sẻ chia, nhiều người đã chung tay hành động rất nhanh và rất hiệu quả.
MC Phan Anh vận động gia đình ủng hộ 500 triệu đồng (sau 24 giờ kể từ khi đưa lời kêu gọi lên trang cá nhân của mình, Phan Anh đã nhận được sự đóng góp của nhiều người với tổng số tiền 2,2 tỉ đồng), ca sĩ Hồ Ngọc Hà hủy các show diễn đầu tuần này để về Quảng Bình cùng fan club của mình tham gia cứu trợ, hay một nhà báo rao đấu giá bức tranh quý, các em nhỏ ở một trường học góp tiền ăn một bữa sáng để lấy tiền ủng hộ đồng bào... đã làm lay động biết bao trái tim bạn đọc.
Nhiều năm nay, Thanh Niên là tờ báo đi đầu trong công tác xã hội từ thiện. Chỉ nói riêng cứu trợ thiên tai, không có năm nào, ở đâu có bão lũ mà Thanh Niên không có mặt.
Còn nhớ, chỉ trong nửa đầu tháng 10.2010, hai cơn lũ lớn liên tiếp xảy ra đã nhấn chìm các tỉnh bắc Trung bộ từ Nghệ An vào Thừa Thiên-Huế. Thanh Niên đã vận động bạn đọc ủng hộ hơn 20,5 tỉ đồng (chính xác là 20.540.289.671 đồng), cử nhiều đoàn công tác đến các tỉnh, bản thân người viết được Ban biên tập giao trực tiếp điều hành đã cùng đoàn ở các tỉnh nói trên ròng rã 40 ngày. Đoàn công tác đã phối hợp với cảnh sát đường thủy, thanh niên tình nguyện cứu trợ từ lúc người dân đang sống trên cành cây, trên nóc nhà, trên bờ đê... cho đến khi xây, hoàn thành và đưa họ vào ở trong những ngôi nhà tình nghĩa. Điều quan trọng, trở thành mục tiêu, phương châm của Thanh Niên là hàng đến đúng tay người cần nhận.
Cách làm của Thanh Niên là mỗi khi có bão lũ, đoàn công tác cùng Đoàn, Hội LHTN các tỉnh, thành phối hợp với địa phương khảo sát khu vực thiệt hại theo cấp độ, từ đó các đoàn viên thanh niên cơ sở đi lấy danh sách từng nhà, có xác thực của thôn, xã... Căn cứ từng nơi cần gì cấp thiết nhất thì mua hàng, đóng gói (hoặc tiền mặt)... Một bộ phận khác phát giấy mời cho những gia đình trong diện cứu trợ (đó là nói khi có điều kiện đi lại rồi). Hẹn bà con đúng giờ, hàng đến, bà con được đọc tên, khi lên cầm theo giấy mời, ký vào danh sách là nhận ngay. Việc được chia cho nhiều nhóm nhưng quy trình như nhau, việc bố trí thời gian hợp lý nên có ngày, đoàn đi đến 6 xã, phát cho cả hai nghìn người mà chưa từng xảy ra trường hợp nào trách móc.
Không ai muốn thảm họa thiên nhiên xảy ra, nhưng khi nó đã xảy ra, chúng ta hãy cùng chia sẻ với đồng bào, giúp họ vượt qua khó khăn hoạn nạn.
Sự lan tỏa lòng nhân là sự lan tỏa đẹp nhất, lay động tâm hồn hướng thiện nhất, các bạn hãy chung sức cùng Thanh Niên thực hiện điều đó!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.