Chính quyền đô thị

27/12/2016 06:23 GMT+7

Đề xuất sáp nhập một số quận, phường của TP.HCM đang gây sự chú ý của dư luận, không chỉ bởi sự thay đổi về địa giới hành chính và biên chế mà cái chính là chỉ dấu để người ta bàn lại về lợi ích của chính quyền đô thị.

Đề án chính quyền đô thị cho 4 thành phố trực thuộc T.Ư được bàn thảo từ năm 2007, nhưng vì rất nhiều lý do chưa đi đến đích. Câu chuyện thu chi, nhu cầu về tự chủ tài chính, biên chế của Hà Nội hay TP.HCM nóng ở Quốc hội vừa qua, hay câu chuyện sáp nhập địa giới hành chính một số quận, phường của TP.HCM hiện nay là những thực tế, cho thấy đã đến lúc chúng ta phải bàn về mô hình chính quyền kiểu mới, khi chiếc áo pháp lý có vẻ quá chật so với sự phát triển của đô thị hiện đại.
Chính quyền đô thị là thuật ngữ để chỉ một mô hình chính quyền địa phương thành lập ở các đô thị, dùng để phân biệt với mô hình chính quyền nông thôn. Chính quyền đô thị thường có hai đặc điểm khác biệt so với chính quyền nông thôn. Thứ nhất, được tổ chức rút gọn một số cấp chính quyền, nhưng vẫn bảo đảm khoảng cách “nhân dân - chính quyền” không quá xa về mặt không gian. Thứ hai, người đứng đầu chính quyền đô thị do dân bầu trực tiếp, đòi hỏi người đứng đầu chính quyền chịu trách nhiệm trước dân cao hơn, cũng có thể bị phế truất trực tiếp bởi lá phiếu của người dân.
Nếu tổ chức theo mô hình chính quyền đô thị thì TP.HCM không cần nhọc công bàn về chuyện sáp nhập phường nọ, quận kia để cắt giảm vài chục biên chế mà bộ máy sẽ được tinh gọn tối đa, cải cách hành chính sẽ triệt để hơn. Nhiều thủ tục hành chính sẽ được giao dứt điểm cho một cấp chính quyền, hạn chế tối đa hiện tượng cùng một hồ sơ phải chuyển qua nhiều cấp như hiện nay.
Chính quyền đô thị với nội hàm thứ nhất là giảm bớt cấp hành chính, kéo theo đó sẽ là giảm bớt các bước trong thủ tục hành chính; Thứ hai là công nhận toàn thành phố là một cộng đồng thống nhất. Khi đó người dân có thể làm thủ tục hành chính bất kỳ nơi nào mà mình thấy tiện lợi, không nhất thiết phải tại nơi mình đăng ký hộ khẩu thường trú như hiện nay. Phúc lợi công cộng do đó cũng sẽ rõ ràng và thực chất hơn.
Khi thiết kế và xây dựng mô hình chính quyền, nguyên tắc trước hết là đặt lợi ích của nhân dân lên cao nhất, và đồng bộ với đó phải làm sao tuyển chọn được những cán bộ công chức có chất lượng và đạo đức tốt. Cho đến hiện nay, có vẻ như mô hình chính quyền đô thị đang đảm bảo được những nguyên tắc đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.