Đôi mắt đại bàng trong tầm nhìn lãnh tụ

19/05/2010 01:05 GMT+7

Trong dòng chảy bất tận của thời gian, có những thời điểm xuất hiện những con người đáp ứng một cách tuyệt vời đòi hỏi đã chín muồi của lịch sử, người ta gọi đó là sự xuất hiện của thiên tài.

Hồ Chí Minh là một trong những trường hợp tuyệt vời đó của lịch sử Việt Nam. "Non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ non sông đất nước ta".
Làm được điều đó vì Hồ Chí Minh - theo cách nói của Hegel - có "con mắt đại bàng của tư duy"! "Hồ Chí Minh có sự nhạy cảm đặc biệt đối với lịch sử, thấu hiểu cuộc sống con người, có nhận thức sâu về vận mệnh dân tộc, về hướng đi của thời đại". Đúng là không phải chiếc ghế nguyên thủ quốc gia mà chính là sự "nhạy cảm", sự "thấu hiểu", "sự nhận thức" đó tạo nên tầm nhìn lãnh tụ!
Trả lời nhà báo Mỹ Anna Louise Strong, Bác nói: "Những người Việt Nam, trong đó có cả cha tôi, thường tự hỏi nước nào có thể giúp phá bỏ ách đô hộ của người Pháp. Một số cho rằng Nhật Bản, những người khác cho rằng nước Anh và một số khác lại cho rằng nước Mỹ. Tôi cho rằng cần phải ra nước ngoài để tự tìm lấy câu trả lời cho mình".
Và rồi, không phải ai khác, chính viên mật thám Arnoux, sau này là chánh mật thám Pháp ở Đông Dương, vào những năm 20 thế kỷ trước, khi theo dõi Nguyễn Ái Quốc ở Paris, đã dè chừng rằng "người thanh niên mảnh khảnh và đầy sức sống này có thể sẽ đặt cây chữ thập cáo chung lên nền thống trị của chúng ta ở Đông Dương". Quả là ông ta không nhầm. Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Hồ Chí Minh đã thể hiện một cách thật tường minh những nhận định, phán đoán và những dự phóng kỳ diệu của một "tầm mắt đại bàng của tư duy"!
Mùa xuân năm 1925, trong thư gửi một học giả yêu nước, Nguyễn Ái Quốc viết: "Thay vì trách cứ người khác, tôi cho rằng trước hết là tự trách mình. Chúng ta phải tự hỏi rằng "tại sao người Pháp lại có thể đàn áp chúng ta? Tại sao dân ta lại ngu muội như vậy? Tại sao cách mạng của chúng ta chưa thành công?".
Quả thật không dễ gì có những câu "tự hỏi" ấy, nhưng chính là bắt đầu từ những câu hỏi đó mà hành trình tư duy của Người ngày càng mở rộng và bay cao cùng với những bước chân bôn ba khắp năm châu bốn biển để tìm con đường cứu nước.
Tầm vóc tư duy "vạch đường cho thời đại" đã thể hiện trong những sự kiện sống động để lại những dấu ấn diệu kỳ trong đời sống đất nước. Trong khuôn khổ bài viết vắn, chỉ xin gợi vài sự kiện:
Vào tháng 2.1947, tức gần hai tháng sau ngày toàn quốc kháng chiến 19.12.1946, lúc Trung ương và Chính phủ chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc, đang ở chùa Thầy, Sơn Tây, Bác quyết định cần đi ngay vào Thanh Hóa trước khi lên Việt Bắc.
Ngày 17.2.1947 xuất phát, đêm nghỉ lại ở đồn điền Chi Nê, hôm sau đến thị xã Thanh Hóa. Tại đây, ngày 20.2.1947 Bác nói chuyện với "các đại biểu thân sĩ, trí thức, phú hào tỉnh Thanh Hóa". Cùng với việc nhắc nhở đồng bào tham gia kháng chiến, Bác dành nhiều thì giờ nói về việc xây dựng xã hội mới nhằm làm cho dân giàu, nước mạnh. Hai lần Bác nói đến mục tiêu kinh tế của xã hội mới đó: "Nghèo trở nên đủ, đủ trở nên giàu và giàu thì giàu thêm", rồi lại giải thích thêm: "Làm cho người nghèo thì đủ ăn. Người đủ ăn thì khá giàu. Người khá giàu thì giàu thêm".
Nên nhớ rằng phải mất nửa thế kỷ, tư tưởng Hồ Chí Minh về "dân giàu nước mạnh" mới trở thành khẩu hiệu "dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" chính thức nêu lên trong Nghị quyết của Đảng.
Và rồi không chỉ có vậy, năm 1941, trong cuốn sách nhỏ viết làm tài liệu tuyên truyền về "Lịch sử nước ta", ở cuối có mục "Những năm tháng quan trọng", Bác viết: "1945 - Việt Nam độc lập". Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết, lúc ấy có người hỏi Bác về điều này, Bác chỉ trả lời: "Để xem sao".
Cũng như trong diễn văn đọc tại lễ mừng Quốc khánh 2.9.1960, Bác nói: "Toàn dân ta đoàn kết nhất trí, bền bỉ đấu tranh, thì chậm lắm là 15 năm nữa, Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, Bắc - Nam nhất định sẽ sum họp một nhà".
Trong bút tích bản thảo in trên Báo Nhân Dân số ra ngày 30.4.1985 cho thấy: Bác gạch dưới những chữ "chậm lắm là 15 năm nữa"! Hoặc như vào đầu năm 1969, Bác đã lưu ý Tư lệnh bộ đội Phòng không - Không quân: "Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua… Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội". Cuộc sống đã chứng minh tính chính xác đến ngỡ ngàng của những dự phóng thiên tài ấy.
Để kết thúc, xin dẫn ra đây một câu trong bài viết năm 1962 của một nhà văn châu Á nổi tiếng: "Chúng ta có thể cùng nhau bàn luận và cũng không dễ thống nhất để tìm xem trên đời này, ai là người vĩ đại nhất, ai là người danh tiếng nhất, ai là người tài giỏi nhất, ai là người uyên bác nhất... Nhưng Hồ Chí Minh dứt khoát là người hoàn toàn nhất, con người giàu chất người nhất trên thế giới này". Con người "giàu chất người nhất trên thế giới này" chính là con người có tầm mắt đại bàng của tư duy.
Có được đôi mắt ấy chính vì Hồ Chí Minh trong khi khẳng định rằng "Trên đời ngàn vạn điều cay đắng, cay đắng chi bằng mất tự do". Và rồi mỗi một người trong chúng ta không ai lại không biết về "ham muốn, ham muốn tột bậc" của Bác Hồ chính là đem lại cuộc sống hạnh phúc cho con người, cho mọi người.
Có được tầm mắt thiên tài chính là vì nhịp đập của trái tim Hồ Chí Minh gắn liền với vận mệnh đất nước và nỗi niềm của nhân dân. Vì rằng, những gì trái tim thờ ơ thì mắt cũng không nhìn thấy được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.