Giơ đầu chịu báng

28/08/2016 05:00 GMT+7

Giữa tuần, Bộ GTVT đã có hai công văn liên tục chỉ đạo các sở GTVT Hà Nội và TP.HCM cung cấp danh sách các xe dưới 9 chỗ ngồi được cấp phù hiệu xe hợp đồng cho ngành thuế để tăng cường kiểm tra việc chấp hành nghĩa vụ thuế.

Bộ cũng yêu cầu thanh tra hai sở phối hợp với công an, cơ quan thuế tập trung cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm các trường hợp sử dụng phần mềm không đúng quy định để điều hành vận tải, không chấp hành các quy định về thuế. Sở dĩ có chỉ đạo này là bởi với trường hợp của Uber, 2 năm qua, dù ngành giao thông đã nhiều lần làm việc, hướng dẫn công ty xây dựng đề án thí điểm ứng dụng phần mềm gọi xe, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được đề án của Uber.
Trên thực tế, quy định để buộc doanh nghiệp như Uber phải nộp thuế không phải là không có. Điều 11 Thông tư số 103 năm 2014 của Bộ Tài chính, hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập tại VN cho phép tổ chức, cá nhân VN hoạt động kinh doanh trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận, hoặc cam kết với tổ chức nước ngoài đó nộp thay thuế cho tổ chức nước ngoài.
Trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế đã có văn bản hướng dẫn quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh của Uber B.V (Hà Lan) tại VN: Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải là đối tác của Uber B.V có trách nhiệm khấu trừ và nộp thay thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng cho nhà thầu Uber theo tỷ lệ thỏa thuận chia sẻ doanh thu với nhà thầu.
Lắt léo ở chỗ, dù ký hợp đồng cung cấp công nghệ cho đối tác ở VN, nhưng thay vì chỉ nhận 20% tiền do đối tác VN chia lại, Uber tại Hà Lan nhận luôn 100% tiền cước rồi sau đó theo định kỳ họ mới chuyển trả cho các đối tác ở VN. Như vậy, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải là đối tác của Uber B.V không chỉ là người “nắm đằng lưỡi” trong quan hệ làm ăn với Uber, mà còn phải đứng trước nguy cơ là “giơ đầu chịu báng” thay cho Uber một khi bị pháp luật “sờ gáy” vì tội trốn thuế.
Ông Nguyễn Quang Tiến, Phó trưởng ban Cải cách về thuế của Tổng cục Thuế, từng khẳng định “một trong các giải pháp cơ bản của ngành thuế đối với vấn đề thu thuế của Uber là rà soát, kiểm tra lại nghĩa vụ nộp thuế của những cá nhân tự ký hợp đồng với Uber”, đồng thời cảnh báo “một số cá nhân hoạt động kinh doanh taxi Uber không có giấy phép là vi phạm pháp luật, không đảm bảo điều kiện kinh doanh là trái phép và có thể bị xử lý”. Vậy nên, với động thái vào cuộc của các cơ quan chức năng trong tuần rồi, thì rõ ràng, các đối tác của Uber, mà trực tiếp là các tài xế sẽ bị “sờ gáy” do vi phạm pháp luật về thuế đã không còn là nguy cơ nữa!
Những động thái về việc kiểm tra các nghĩa vụ thuế liên quan đến Uber nói trên diễn ra trong bối cảnh Chính phủ, ngành tài chính đang quyết liệt với công tác đấu tranh chống chuyển giá, thất thu thuế. Tại buổi làm việc giữa tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng với Bộ Tài chính cuối tuần này, dự thảo nghị định về chống chuyển giá, trốn thuế chính là một “món nợ” được tổ công tác nhắc tới. Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng than rằng việc chống thất thu thuế, chuyển giá đang rất phức tạp, diễn ra ở các khâu nên cần sự trợ giúp của các ngành khác nữa. Trong khi đó, báo cáo của cơ quan thuế cho biết, năm ngoái, riêng về thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá, ngành này đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 4.751 doanh nghiệp lỗ, có dấu hiệu chuyển giá và doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết, giảm lỗ hơn 10.000 tỉ đồng.
Hiện khối doanh nghiệp siêu thị, bán lẻ, nước giải khát vẫn là đầu bảng trong danh sách các công ty FDI luôn báo lỗ với các chiêu bài khai giá mua cao trong các tài sản cố định, máy móc hay nguyên liệu đầu vào. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nghi án chuyển giá đã xuất hiện ngày càng nhiều ông lớn hoạt động trong các lĩnh vực tài sản vô hình, công nghệ độc quyền mà tài sản góp vốn được coi là “bí kíp công nghệ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.