Hỗ trợ đúng đối tượng

Nguyên Hằng
Nguyên Hằng
15/09/2018 06:35 GMT+7

Chia sẻ của ông Jim Miller - Chủ tịch Hội đồng Nông nghiệp và tư vấn chính sách nhiên liệu sinh học (ABPC - Mỹ) về phương thức hỗ trợ sản xuất xăng sinh học khiến chúng ta phải suy nghĩ về cách hỗ trợ của mình.

Theo đó, chính phủ Mỹ chỉ hỗ trợ bảo hiểm vụ mùa phát triển sản phẩm nông nghiệp nói chung, trong đó có bắp, lúa mì... nếu có những biến cố thiên tai bất ngờ, chứ không tài trợ trực tiếp cho doanh nghiệp (DN) sản xuất ethanol để làm xăng sinh học.
Ở VN hiện nay, chính sách hỗ trợ liên quan đến xăng sinh học (E5) chỉ xoay quanh các DN. Mới nhất, Bộ Tài chính đề xuất lấy tiền ngân sách có thể lên đến 750 tỉ đồng để hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt cho DN sản xuất E5 trong hai năm 2018 và 2019. Đề xuất này vấp phải những ý kiến trái chiều và đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Trước đó vài tháng, vào tháng 4, Bộ Tài chính cũng đề xuất tăng thuế môi trường kịch khung với xăng khoáng để tăng sức hấp dẫn cho xăng E5. Có lẽ từ đề xuất này, chỉ chục ngày sau đó, vì lý do tiêu thụ chậm, một số công ty kinh doanh xăng dầu đầu mối đề xuất chính sách kích cầu bằng việc áp dụng mức chênh lệch giá bán lẻ giữa hai mặt hàng xăng E5 với RON95... Có thể nhận thấy, đối tượng hỗ trợ suốt thời gian qua liên quan đến xăng E5 chỉ xoay quanh các DN sản xuất và kinh doanh xăng dầu, trong khi một thành phần rất quan trọng trong cơ cấu giá thành sản phẩm là nguyên liệu thì hoàn toàn bị bỏ quên. Mục đích cuối cùng để có thể đẩy mạnh dùng xăng E5 đến toàn dân là giá rẻ. Muốn giá rẻ, nguyên liệu đầu vào phải rẻ. Nguyên liệu sản xuất ethenol để pha chế xăng E5 ở VN duy nhất là sắn (khoai mì). Như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể chọn đối tượng hỗ trợ là người nông dân trồng sắn để có được giá sắn tốt nhất thay vì chỉ chăm chăm vào DN như cách chúng ta đã và đang làm. Có lẽ vì thế, chúng ta cứ loay hoay hết giải pháp này, phương thức khác mà không giải quyết triệt để vấn đề.
Thực tế ở VN hiện nay, mùa thu hoạch sắn vào đầu năm và chỉ trồng được 1 vụ, nên thông thường từ giữa năm trở đi, giá sắn sẽ tăng. Rồi vùng trồng manh mún, phải thu gom rất mất thời gian, tốn tiền của; rồi chi phí hao hụt, bảo quản, kho bãi, quá nhiều khâu trung gian... khiến giá cả biến động thất thường, chủ yếu là theo xu hướng tăng, ảnh hưởng tới giá thành sản xuất xăng E5. Chưa kể nhiều nơi, từ lãnh đạo cho tới người dân chỉ coi sắn là cây xen canh chứ chưa phải loại cây kinh tế chiến lược nên cũng "xem nhẹ" việc quy hoạch, nuôi trồng. Nói thế để thấy, việc chọn hỗ trợ từ gốc, là người nông dân trồng sắn hết sức đúng đắn và quan trọng để góp phần giảm giá, tăng sức hấp dẫn cho xăng E5.
Từ câu chuyện xăng E5 nhìn rộng ra sẽ thấy, chính sách hỗ trợ ở tất cả các lĩnh vực, địa bàn phải đúng người, đúng việc, đúng địa chỉ thì mới phát huy hết tác dụng và nhanh chóng đạt kết quả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.