Khai thác hộp đen

04/11/2018 07:12 GMT+7

Sở Giao thông vận tải TP.HCM mới đây đã từ chối cấp phù hiệu hơn 600 ô tô vận tải hành khách và hàng hóa do chưa truyền dữ liệu thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) về hệ thống.

Sở cũng thu hồi hơn 50 phù hiệu xe chạy tuyến cố định, hợp đồng do vi phạm tốc độ. Đó là một nỗ lực cần thiết, rất đáng ghi nhận trong việc tăng cường giám sát an toàn trật tự giao thông đường bộ.
Từ vài năm qua, ngành giao thông đã thực hiện lộ trình dần bắt buộc các loại phương tiện đường bộ hoạt động kinh doanh như taxi, xe khách tuyến cố định, xe khách hợp đồng, xe tải... phải gắn hộp đen. Lộ trình này tiêu tốn chi phí khá lớn của các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực vận tải. Để khoản chi phí này thực sự đem lại cho giá trị, ngành giao thông cần phải khai thác tối đa hiệu quả quản lý có được từ hộp đen.
Vì thế, để kiểm soát an toàn giao thông đường bộ hiệu quả hơn nữa, việc giám sát hộp đen không nên chỉ được trích xuất dữ liệu theo định kỳ, hay trước khi tái cấp phù hiệu vận tải, mà cần tiến hành thường xuyên hơn. Thậm chí, ngành giao thông cần hướng đến phát triển hệ thống giám sát theo thời gian thực khi công nghệ và hạ tầng viễn thông ngày nay cho phép thực hiện điều đó. Các ô tô vi phạm bị xử lý càng sớm chừng nào thì sẽ càng góp phần giảm thiểu rủi ro tai nạn giao thông.
Bên cạnh đó, ngoài dữ liệu về tốc độ xe, hành trình, thì hộp đen còn có thể cung cấp thông tin và tình trạng tài xế... Đây chính là những cơ sở để đưa ra nhiều hình thức xử lý mạnh mẽ hơn, chứ không chỉ dừng lại ở việc không tái cấp hoặc thu hồi phù hiệu của phương tiện. Điển hình như việc kết hợp thông tin người lái và dữ liệu vi phạm về tốc độ để xử lý các tài xế trực tiếp điều khiển xe sai phạm. Bởi nếu rút phù hiệu xe mà người tài xế điều khiển phương tiện vẫn không bị xử lý thì nguy cơ tài xế gây ra tai nạn thực tế lại không hề giảm đi.
Việc ràng buộc trách nhiệm cũng cần áp dụng đối với các đơn vị điều hành ô tô vận tải như áp dụng đa dạng biện pháp xử lý, tăng nặng đối với các hợp tác xã, doanh nghiệp vận tải có nhiều xe vi phạm. Cụ thể, ngành giao thông nên công khai các kết quả thống kê số lượng sai phạm, tỷ lệ xe sai phạm của các đơn vị điều hành. Từ kết quả thống kê còn có thể phân nhóm về mức độ an toàn của các đơn vị điều hành xe. Cách thức này có thể tạo động lực để các hãng xe khách xây dựng uy tín bằng tiêu chí an toàn với những số liệu thuyết phục, hành khách cũng nhờ đó mà có thêm thông tin khi lựa chọn phương tiện đi lại. Ở mức độ sai phạm lớn, cơ quan chức năng cũng có cơ sở để có thể rút giấy phép hoạt động của đơn vị điều hành.
Có như thế, hiệu quả quản lý từ hộp đen mới được tăng cường mạnh mẽ và có giá trị cao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.