Thay vì trừng phạt

03/11/2018 07:05 GMT+7

Thay vì trừng phạt, cách hiệu quả hơn là dạy học sinh biết ứng xử văn hóa trước các tình huống và giáo dục học sinh bằng cả tình yêu thương.

Cũng dễ hiểu khi có quá nhiều ý kiến phê phán trước biện pháp kỷ luật đuổi học sinh từ một tuần đến một năm của Ban Giám hiệu Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.Thanh Hóa) với lý do “dùng mạng xã hội xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự và uy tín của giáo viên và nhà trường”.
Cũng như vậy, nhiều người đã phản ứng trước quy định cấm sinh viên “nói xấu” thầy cô trên mạng xã hội của Trường ĐH Tài chính -Marketing TP.HCM.
Đơn giản vì cấm hay đuổi học thì rất dễ nhưng đó không phải là chức năng của nhà trường. Trường học là nơi giáo dục, không chỉ cung cấp kiến thức mà còn dạy dỗ để học sinh (HS) nên người, biết sống tử tế, chan hòa với xã hội và tự nhiên.
Bộ GD-ĐT cũng đã xây dựng Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học. Tháng 10 vừa qua Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã phê duyệt đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025”. Như vậy, về mặt quản lý, đã có đầy đủ những văn bản, quy định để người học thực hiện. Tuy nhiên, thực tế thì sao? Xem qua các bộ quy tắc ứng xử văn hóa của nhiều trường phổ thông, mặc dù có nhiều quy định chi tiết nhưng chưa thấy có mục nào nêu cụ thể HS phải ứng xử văn minh thế nào trên mạng xã hội (một hoạt động phổ biến của HS hiện nay). Có nhiều quy định chi tiết HS ứng xử với thầy cô nhưng chưa thấy có nhiều trường đề cập đến việc “nói xấu”, “dùng mạng xã hội xúc phạm nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của nhà trường”... Chưa quy định thì rất khó để HS biết được mức độ nào là “nói xấu”, đến đâu là “xúc phạm nghiêm trọng”...
Nhà trường không chỉ cần xây dựng quy chế chặt chẽ, công bố cho HS và phụ huynh biết mà quan trọng hơn hết là phải thường xuyên tuyên truyền, giáo dục để HS nắm rõ những quy định này, đó cũng là một biện pháp giáo dục. Tuy nhiên, quy định trong nhà trường cũng nên làm căn cứ để giáo dục chứ đừng xem là công cụ để trừng phạt. Có như vậy nhà trường mới thể hiện đúng vai trò của mình là nơi dạy dỗ và giáo dục HS.
Vào năm 2013, tờ New York Times đăng một bài viết đặt vấn đề có thể dạy HS khả năng hiểu biết để chế ngự, điều chỉnh cảm xúc. Theo bài viết, điều này quan trọng không kém các môn học khác. Marc Brackett, nhà khoa học hàng đầu về tâm lý học của ĐH Yale, trong bài báo đề cập ở trên, cho rằng nếu ngay từ nhà trẻ, trẻ con được hướng dẫn những điều này thì 20 năm nữa thế giới sẽ là một nơi rất khác.
Còn John Dewey, nhà triết học, tâm lý và nhà cải cách giáo dục nổi tiếng người Mỹ, cho rằng vị trí và công việc của giáo viên không phải để ép buộc những ý tưởng nhất định, hay để hình thành những thói quen nhất định cho đứa trẻ, mà để lựa chọn những ảnh hưởng có thể tác động đến trẻ và trợ giúp trẻ phản ứng lại những ảnh hưởng này theo cách đúng đắn.
Thay vì trừng phạt, cách hiệu quả hơn là dạy HS biết ứng xử văn hóa trước các tình huống và giáo dục HS bằng cả tình yêu thương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.