Điểm lại trong rất nhiều lỗi dẫn đến dự án không được cấp sổ hồng, hầu như không có lỗi nào thuộc về khách hàng. Những vi phạm thường được chỉ ra như chủ đầu tư thế chấp dự án để vay tín dụng ngân hàng mà không giải chấp để làm sổ hồng cho khách hàng. Trong trường hợp này, người mua là bên ngay tình, hoàn toàn vô can, thế nhưng họ lại là người gánh hậu quả lớn nhất khi bị treo quyền lợi. Thậm chí có không ít trường hợp suýt bị "bứng" ra khỏi căn nhà đang ở vì chủ đầu tư không trả được nợ, ngân hàng đòi xiết tài sản cầm cố.
Hay với dự án xây dựng sai phép, lỗi thuộc về cả chủ đầu tư và chính quyền sở tại buông lỏng quản lý, nhưng không cấp sổ hồng thì người gánh hậu quả cho các sai phạm này lại là khách hàng. Rồi dự án nằm trong nhóm doanh nghiệp chậm nộp hồ sơ đề nghị cấp sổ hồng; dự án rơi vào loại hình bất động sản mới chưa được quy định; dự án phải thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung... người mua nhà cũng không được cấp sổ hồng.
Đáng nói, theo quy định của pháp luật về bảo vệ bên ngay tình, trong các trường hợp trên, khách hàng được bảo vệ quyền tài sản, nghĩa là ai sai thì xử lý nhưng vẫn cấp sổ hồng cho người dân. Lý là vậy, tình cũng nên như vậy, nhưng các cơ quan có thẩm quyền lại sợ trách nhiệm, không ai dám quyết... dẫn đến hàng trăm ngàn sổ hồng bị treo lưu cữu năm này qua năm khác.
Nhìn trên cục diện đó, chúng ta sẽ hiểu nỗi bức xúc khiến cư dân nhiều dự án ròng rã khiếu nại, căng băng rôn phản đối chủ đầu tư, yêu cầu chính quyền thực hiện việc cấp sổ hồng, trả quyền lợi chính đáng mà họ đương nhiên được hưởng.
Nên nhớ, có nhà nhưng chưa cấp sổ hồng chỉ là một phần của tảng băng "khách hàng vạ lây" trên thị trường bất động sản hiện nay. Còn rất nhiều người mua đất dự án, cũng trả tiền tới 95% nhưng chưa được nhận nền, nhận nền nhưng không được xây, bí quá xây rồi đối diện với nguy cơ phải tháo dỡ vì trái phép... cũng vì chủ đầu tư nợ thuế, sai phạm và 1.001 lý do khác. Những dự án như vậy phổ biến ở nhiều nơi, vừa lãng phí nguồn lực của xã hội, vừa gây thiệt hại cho người dân và làm xấu bộ mặt đô thị, nhưng vẫn tồn tại năm này qua năm khác làm gia tăng bức xúc, khiếu kiện.
Ở thời điểm hiện tại, TP.HCM đang thể hiện quyết tâm giải quyết các vướng mắc để cấp sổ hồng cho người dân. Đây là chủ trương đúng, cấp bách, cần thiết và có lẽ cũng không quá khó khăn nếu thực sự muốn làm. Bởi pháp luật có quy định bảo vệ người ngay tình, 3 luật liên quan đến bất động sản mới có hiệu lực cũng có nhiều điểm có thể vận dụng. Đặc biệt, thành phố còn có thêm Nghị quyết 98 với cơ chế đặc thù... Cái thiếu lâu nay chính là sự quyết liệt, quyết tâm thì nay đã có, thông qua việc lập tổ giải quyết vướng mắc cấp sổ hồng, chia giai đoạn, phân loại rà soát, đưa mốc thời gian thực hiện.
Không chỉ cấp sổ hồng, trong công cuộc "chống lãng phí" mà Tổng Bí thư Tô Lâm phát động hiện nay, hy vọng các dự án công, tư đình trệ, bỏ hoang, treo quyền lợi, treo nguồn lực của xã hội và người dân, đang tồn tại khắp các địa phương sẽ được tháo cởi để góp phần đưa kinh tế đất nước tiến nhanh vào kỷ nguyên mới.
Bình luận (0)