Trước đó, việc chi thường xuyên để xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình trụ sở cơ quan nhà nước, bệnh viện, trường học… "không lường trước" nên không nằm trong kế hoạch bố trí từ vốn đầu tư công trung hạn 5 năm.
Nói như đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh), đây là tin vui rất lớn sau hàng loạt kiến nghị và tranh luận nóng của đại biểu suốt 4 kỳ họp Quốc hội, giúp hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn cán bộ, công chức, viên chức không còn phải sợ sai, sợ trách nhiệm.
Tuy nhiên, chi thường xuyên mãi mới được gỡ vướng thì lại rơi vào "ải" đấu thầu. Theo quy định trong luật Đấu thầu năm 2023, việc mua sắm, cải tạo đơn giản nhất như lợp lại mái nhà, thay gạch lót nền bong tróc trên 100 triệu đồng đều phải đấu thầu.
Để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu quyết liệt tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, khơi thông mọi nguồn lực. Số lượng kỷ lục các dự luật đang được Chính phủ trình, lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV cũng trên tinh thần cấp tốc tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế. Trong các phiên họp pháp luật định kỳ hằng tháng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh tinh thần tháo gỡ ngay các vướng mắc cấp bách và xây dựng pháp luật mang tính ổn định, có giá trị lâu dài.
Phát biểu tại Bộ Tư pháp hôm qua, Tổng Bí thư một lần nữa nhấn mạnh, việc xây dựng pháp luật phải trên cơ sở thực tiễn của VN, những điểm nghẽn, nút thắt phải tháo gỡ; với những vấn đề mới, thực tiễn phát triển nóng bỏng chưa có quy định của pháp luật điều chỉnh. Đặc biệt, thực hiện cơ chế "sửa một luật, điều chỉnh nhiều luật" để khắc phục ngay tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo của các luật.
Trên thực tế, nhiều luật, nghị định ngay khi ban hành đã chậm nhịp, lạc hậu so với thực tế, dẫn đến vừa ban hành đã phải sửa đổi. Tại kỳ họp này, Chính phủ trình Quốc hội 1 luật sửa nhiều điều của 4 luật trong lĩnh vực đầu tư và 1 luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán. Nhiều luật trong số này mới ban hành và có hiệu lực cuối 2023, đầu 2024 nay phải sửa đổi, không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân mà còn lãng phí trong làm luật.
Sự cầu thị của cơ quan soạn thảo, do đó rất quan trọng. Với quy định bất cập trên 100 triệu đồng đã phải đấu thầu, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng hứa với các đại biểu QH sẽ nâng cao hạn mức các gói thầu, "để đảm bảo tính ổn định lâu dài, nếu không vừa sửa xong lại bất cập, lại phải sửa tiếp".
Thay đổi tư duy làm luật và chất lượng luật là điều cấp thiết. Cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phải lắng nghe vướng mắc từ thực tế cuộc sống, để luật không rơi vào bất cập ngay khi ra mắt, và đặc biệt "không đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong thiết kế các quy định pháp luật" như Tổng Bí thư chỉ đạo.
Bình luận (0)