Lãng phí do tư duy nhiệm kỳ

06/11/2024 04:22 GMT+7

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng lãng phí, trong đó có 'lãng phí do tư duy nhiệm kỳ' như đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) đặt tên. Đáng lo ngại là dù ai cũng thấy rõ, song lại không thấy ai chịu trách nhiệm!

Thực tế cho thấy, mỗi cán bộ khi được phân công, bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo đều muốn khẳng định mình, xây dựng hình ảnh, uy tín cho cá nhân. Mong muốn này là chính đáng, nhưng cách thể hiện không phải lúc nào cũng đúng, hợp lý. Để nhanh có "dấu ấn", không ít vị đã tìm cách nhanh nhất tạo ra các công trình "để đời".

Ở mặt tích cực, việc này khơi dậy sự năng động, sáng tạo của lãnh đạo và các cơ quan liên quan, giúp địa phương khởi sắc, có thêm những công trình mới. Tuy nhiên, không ít trường hợp do không xem xét kỹ, chỉ đạo thực hiện theo suy nghĩ chủ quan, không tuân thủ đầy đủ các quy trình, thủ tục nên một số dự án, công trình không mang lại hiệu quả như mong muốn.

Có những công trình gây phản cảm do không tương xứng với điều kiện thực tế địa phương, lại có những công trình công năng không phù hợp, dẫn đến không được sử dụng đầy đủ. Có những công trình xây dựng dở dang thì hết vốn, không được tiếp tục cấp vốn do những sai sót trong bố trí vốn hay thủ tục đầu tư. Lại có trường hợp do lãnh đạo… hết nhiệm kỳ, người kế nhiệm không xin được vốn để làm tiếp.

Cũng không ít dự án, lãnh đạo nhiệm kỳ này phê duyệt còn triển khai và đến khi nào hoàn thành thì để... nhiệm kỳ sau. Lý do thì ai cũng rõ nhưng lại rất khó nói, bởi như một chuyên gia ví von: dự án "ngon nhất" khi được thông qua, còn phần giải phóng mặt bằng, thi công chỉ là "xương xẩu".

Đó là những lãng phí hữu hình, có thể nhìn thấy được, đo đếm được. Thực tế còn vô vàn lãng phí vô hình khác, như tình trạng né tránh những vấn đề phức tạp, dễ đụng chạm để bảo vệ mình, đẩy cho người kế nhiệm giải quyết khiến công việc bị trì trệ, hao phí nguồn lực, thất thoát niềm tin của nhân dân.

Tư duy nhiệm kỳ vì thế khiến một bộ phận cán bộ lãnh đạo chỉ nhìn và làm những việc trước mắt, có lợi trước hết cho hình ảnh, công việc của mình mà bỏ qua những việc lớn hơn, những cơ hội lớn hơn cho sự phát triển chung. Bởi lẽ, những việc lớn thường khó khăn, phức tạp, lâu dài, đòi hỏi tầm nhìn, sự quyết đoán và cả sự dũng cảm khi phải vượt qua những rào cản của cơ chế, quy định hiện hành. Cơ hội phát triển của một ngành, một địa phương cũng vì thế có thể đã bị bỏ qua, lãng phí.

Trong bối cảnh trên, sự ủng hộ đối với quyết tâm chống lãng phí của Tổng Bí thư Tô Lâm càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tổng Bí thư đã "điểm tên" dự án chống ngập 10.000 tỉ qua 2 nhiệm kỳ mà người dân TP.HCM vẫn chịu cảnh ngập lụt; 2 bệnh viện Bạch Mai và Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam kéo dài chục năm không đưa vào sử dụng; hay đất vàng để hàng chục năm trời cho cỏ mọc.

Để ngăn chặn lãng phí, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định phải có người chịu trách nhiệm, bởi dù không tham ô, tham nhũng cũng là tội lãng phí. Và nếu chống lãng phí cũng thành công như chống tham nhũng thời gian qua, thì nói như đại biểu Mai Thị Phương Hoa, đất nước nhất định sẽ vững vàng bước vào kỷ nguyên mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.