Sáng 7.10, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo quý 3/2024. Một trong những nội dung được báo chí quan tâm, là quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn.
Như Thanh Niên đã thông tin, Bộ Công an mới đây chuyển hồ sơ đến Bộ Tư pháp để thẩm định dự thảo (lần 3) Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (GPLX).
Tại dự thảo này, Bộ Công an đề xuất giữ nguyên mức phạt tiền đối với vi phạm về nồng độ cồn, thay vì đề xuất giảm mức phạt tiền với ngưỡng vi phạm nồng độ cồn thấp nhất như dự thảo lần 2.
Thông tin về nội dung trên, bà Nguyễn Thị Minh Phương, Phó cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp), cho biết mới đây Bộ Tư pháp đã tổ chức họp thẩm định đối với dự thảo thẩm định nêu trên.
Bà Phương nói, cả luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đều quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi trong hơi thở hoặc máu có nồng độ cồn.
Vì thế, khi thực hiện thẩm định, quan điểm của Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật là "hình thức xử phạt và mức phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ xâm hại trật tự quản lý hành chính nhà nước của hành vi đó".
Bộ Công an rút đề xuất giảm mức phạt tiền vi phạm nồng độ cồn
Cũng theo bà Phương, một trong những yêu cầu khi quy định về hình thức và mức xử phạt vi phạm hành chính phải bảo đảm tính giáo dục, răn đe và tính hợp lý, khả thi khi triển khai thực hiện.
Vi phạm nồng độ cồn, trừ điểm thay vì tước GPLX
Dự thảo nghị định lần 3 do Bộ Công an chủ trì soạn thảo tiếp tục xác định 3 ngưỡng vi phạm nồng độ cồn gồm: thấp nhất là chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/lít khí thở, tiếp theo là vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/lít khí thở, cao nhất là vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở.
Về mức phạt tiền, đối với người điều khiển ô tô, dự thảo đề xuất vi phạm ngưỡng thấp nhất sẽ bị phạt 6 - 8 triệu đồng và bị trừ 3 điểm GPLX, ngưỡng tiếp theo phạt 16 - 18 triệu đồng và bị trừ 10 điểm GPLX, ngưỡng cao nhất phạt 30 - 40 triệu đồng và trừ 12 điểm GPLX (trừ hết sạch điểm).
Đối với người điều khiển xe máy, dự thảo đề xuất vi phạm ngưỡng thấp nhất sẽ bị phạt 2 - 3 triệu đồng và bị trừ 3 điểm GPLX, ngưỡng tiếp theo phạt 4 - 5 triệu đồng và bị trừ 10 điểm GPLX, ngưỡng cao nhất phạt 6 - 8 triệu đồng và trừ 12 điểm GPLX (trừ hết sạch điểm).
Như vậy, so với quy định hiện hành tại Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021), mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn theo đề xuất của Bộ Công an không có gì thay đổi.
Điểm mới đến từ việc trừ điểm GPLX thay vì tước GPLX. Theo đó, nếu vi phạm nồng độ cồn ở ngưỡng thấp nhất hoặc ngưỡng thứ hai, tài xế sẽ bị trừ điểm GPLX và tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Chỉ khi vi phạm ở ngưỡng cao nhất, tài xế mới bị trừ hết điểm. Đề xuất này có phần "dễ thở" hơn hiện nay, khi mà chỉ cần vi phạm nồng độ cồn là sẽ bị tước GPLX.
Hồi tháng 8, Bộ Công an công bố dự thảo lần 2 nghị định, đề xuất giảm mức phạt tiền đối với ngưỡng vi phạm nồng độ cồn thấp nhất. Trong đó, với người điều khiển ô tô, mức phạt giảm còn 800.000 đồng đến 1 triệu đồng; với người điều khiển xe máy, mức phạt giảm còn 400.000 - 600.000 đồng. Các ngưỡng vi phạm còn lại, mức phạt vẫn giữ nguyên.
Đề xuất trên nhận được nhiều ý kiến ủng hộ, vì cho rằng việc giảm mức phạt tiền như vậy là phù hợp với tính chất, mức độ hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, ở dự thảo mới nhất, Bộ Công an đã rút đề xuất giảm mức phạt tiền đối với ngưỡng vi phạm nồng độ cồn thấp nhất, thay vào đó là giữ nguyên mức phạt hiện hành như đã nêu.
Bình luận (0)