Không được lãng quên

Lê Hiệp
Lê Hiệp
17/02/2019 06:13 GMT+7

Rạng sáng 17.2.1979, 600.000 quân Trung Quốc ồ ạt tấn công vào lãnh thổ VN. Trong suốt 10 năm sau đó, từng người dân, người lính đã chống trả quân xâm lược một cách kiên cường để gìn giữ từng tấc đất nơi biên cương.

Trong 10 năm ấy, có rất nhiều người vừa dành cả thanh xuân trên những chiến trường của cuộc chiến tranh chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, chưa kịp báo hiếu với cha mẹ, chưa kịp lo tổ ấm cho mình nhưng sẵn sàng bỏ lại tất cả ở phía sau, hiên ngang ra trận.
Trong 10 năm ấy, có rất nhiều chàng trai trẻ còn đang ngồi trên ghế giảng đường đại học, nhưng sẵn sàng viết huyết thư xin được ra chiến trường bảo vệ Tổ quốc. Và rồi, hàng ngàn người trong số họ đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường.
Thế nhưng, những người ngã xuống trong 10 năm ấy không chỉ có người lính. Những mảnh ghép còn rời rạc của lịch sử mà người ta tiếp cận được tới nay đều cho thấy, rất nhiều người dân vô tội ở các tỉnh biên giới VN đã bị giày xéo dưới gót giày xâm lược.
Đó là cuộc thảm sát ở Tổng Chúp (Cao Bằng), nơi 43 phụ nữ và trẻ em vô tội bị giết.
Đó là cuộc thảm sát ở xóm Lũng Riềng (H.Quảng Uyên, Cao Bằng) làm 28 thương binh, y tá và người dân bị chết...
Chưa bao giờ có một con số chính thức được công bố về những người lính, người dân đã nằm xuống trong cuộc chiến tranh kéo dài suốt 10 năm đó.
Trò chuyện với những người lính đã từng lăn lộn ở những mặt trận ác liệt nhất trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc Tổ quốc từ 1979 - 1989 mới thấy, dù cuộc chiến đã lùi xa 40 năm nhưng tới nay trong lòng họ vẫn còn chung một nỗi day dứt. Đó là nỗi day dứt về hàng ngàn anh em, đồng đội vẫn đang nằm đâu đó lẫn trong đá núi chưa thể đưa về nghĩa trang cùng với đồng đội. Đó là nỗi day dứt về một nghĩa trang, một tượng đài kỷ niệm xứng đáng với hàng ngàn người lính, người dân đã đổ xương máu để gìn giữ từng tấc đất của Tổ quốc. Đó còn là nỗi day dứt về một vị trí xứng đáng của cuộc chiến tranh mà họ và đồng đội đã xả thân trong những bộ quốc sử hay trong cuốn sách giáo khoa để giáo dục cho thế hệ trẻ về lòng tự hào và sự tri ân đối với những hy sinh của cha anh mình.
Một giáo sư sử học ngoài 90 tuổi trong bài phát biểu tại hội thảo quốc gia kỷ niệm 40 năm chiến tranh biên giới phía bắc 2 ngày trước đã ngậm ngùi thừa nhận rằng, hơn 40 năm đã qua sau những cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía bắc và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nhưng những sự kiện bi hùng đó đã không được trình bày một cách đầy đủ trong sách giáo khoa, trong những công trình nghiên cứu và trên nhiều sách báo khác.
Và điều mong mỏi của ông mới thật day dứt: “Tất cả những người VN đã từng đổ xương máu để gìn giữ từng tấc đất, từng hòn đảo của nước VN đều xứng đáng được vinh danh và được sự tri ân của nhiều thế hệ con cháu. Các sách giáo khoa về lịch sử, về văn học và nhiều môn học khoa học xã hội khác cần quan tâm đầy đủ công việc này như chúng ta đã từng viết về hai cuộc kháng chiến trước”.
Vì thế nhắc lại lịch sử như nó đã tồn tại không phải là khoét sâu hận thù mà để có cách ứng xử đúng đắn với hôm nay và bài học cho mai sau. Để nếu lịch sử có lặp lại thì phải biết rằng chiến tranh là điều không ai mong muốn. Bởi lẽ, trong mọi cuộc chiến tranh, người chịu thiệt hại cuối cùng vẫn là nhân dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.