Lao động nữ thời 4.0

20/10/2018 05:14 GMT+7

Giờ đây, khi cuộc cách mạng 4.0 đã tràn về mọi ngõ ngách của xã hội, lao động nữ lại là những người dễ bị ảnh hưởng tiêu cực hơn.

Báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) chỉ ra rằng tỷ lệ phụ nữ làm các công việc dễ bị tổn thương (lao động tự làm, lao động gia đình không được trả lương, không bảo hiểm) cao gần gấp đôi nam giới.
Ngay với những công việc có hợp đồng, mức lương bình quân của phụ nữ vẫn thấp hơn lao động nam. Đặc biệt, đối với nhóm tốt nghiệp đại học trở lên, sự cách biệt lên tới xấp xỉ 20% (theo Điều tra lao động việc làm thường niên mới nhất của Tổng cục Thống kê).
Giờ đây, khi cuộc cách mạng 4.0 đã tràn về mọi ngõ ngách của xã hội, lao động nữ lại là những người dễ bị ảnh hưởng tiêu cực hơn.
Bởi lẽ, các ngành sản xuất thâm dụng lao động, yêu cầu kỹ năng thấp, như dệt may và da giày, là khu vực “cơn bão” tự động hóa sẽ càn quét đầu tiên. Đây lại chính là nơi tập trung đông lao động nữ. Nghiên cứu của ILO cảnh báo rằng, trong tất cả các ngành công nghiệp ở VN, tỷ lệ lao động nữ làm các công việc có nguy cơ cao bị tự động hóa nhiều hơn hơn 2,4 lần so với lao động nam.
Dĩ nhiên, thời đại 4.0 xóa sổ nhiều việc làm giản đơn nhưng đồng thời cũng tạo ra những dạng thức việc làm mới. Có điều, việc làm của kỷ nguyên công nghệ thường yêu cầu những kỹ năng về STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) - những ngành hiện ít bóng dáng sinh viên nữ trên giảng đường đại học. Đây chính là những bất lợi tiềm tàng của nữ giới khi gia nhập thị trường lao động.
Nhân ngày 20.10 hôm nay, mong rằng những lời chúc, sự quan tâm cho phái yếu được biến thành hành động, để dần phá bỏ những bức tường vô hình hạn chế sự phát triển của nữ giới tại nơi làm việc và giảm thiểu những tác động tiêu cực của “cơn bão” 4.0.
Những chính sách chống phân biệt đối xử trong lao động dựa trên giới tính cần được cụ thể hóa, để phụ nữ không còn là sự lựa chọn thứ hai trong thời đại công nghệ. VN cũng cần những nghiên cứu, dự báo chính xác về thị trường lao động, từ đó đưa ra những khuyến nghị về chính sách đào tạo, đào tạo lại và sắp xếp lại công việc để đảm bảo người lao động nữ bớt thiệt thòi.
Việc chú trọng vào kỹ năng và sự chuẩn bị sẵn sàng cho lực lượng lao động đóng vai trò quan trọng. Cần những biện pháp khuyến khích các em gái theo học các ngành liên quan đến khoa học công nghệ, và bồi dưỡng những kỹ năng cốt lõi (giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy sáng tạo, tư duy phân tích...) bởi đây là các kỹ năng thiết yếu bất kể sự cải tiến công nghệ diễn ra thế nào.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.