Mơ môi trường lành mạnh

31/05/2017 06:26 GMT+7

Chuyện UBND H.Hiệp Hòa (Bắc Giang) lập “tổ công tác” rồi bắc loa trên xe chạy khắp hang cùng ngõ hẻm để phát thông báo về sự việc được cho là “vi phạm pháp luật” của một doanh nghiệp trên địa bàn, không chỉ phản cảm đứng dưới góc độ xã hội mà còn là hành vi vi phạm pháp luật (tội nhục mạ người khác).
Cứ cho là doanh nghiệp xây chợ ở Hiệp Hòa có thể có những sai sót về trình tự thủ tục (huy động vốn góp) như lý giải của UBND huyện, thì chính quyền - nơi nắm đầy đủ các công cụ luật pháp và lực lượng chế tài - có cần thiết phải áp dụng một hình thức cảnh báo thô thiển đến như vậy? Chuyện gì khiến cho mối quan hệ giữa chính quyền (H.Hiệp Hòa) và nhà đầu tư (doanh nghiệp xây chợ) lẽ ra là hỗ trợ lại trở thành triệt hạ? Thật khó tin chỉ là chuyện doanh nghiệp huy động vốn cho các ki ốt thương mại “khi chưa đủ thủ tục”. Hay đó chính là chuyện 10 tỉ đồng doanh nghiệp “hứa ủng hộ địa phương” mà chưa chuyển do chưa có nguồn thu? Hay còn gì khác?
Có câu chuyện, chủ một doanh nghiệp tư nhân 1.000 tỉ đã rất buồn khi mọi người chúc mừng ông vừa có một bữa ăn tối “thành công” với lãnh đạo cao cấp của một thành phố, nơi doanh nghiệp có dự án đầu tư lớn. Ông nói: “Khi nào người được chúc mừng là vị lãnh đạo cao cấp kia thì mới thực sự là điều đáng mừng cho nền kinh tế”. Vâng. Chỉ khi nào các doanh nghiệp, doanh nhân - lực lượng chính làm ra của cải, giá trị gia tăng cho xã hội, được chính quyền trân trọng, được đối xử công bằng, được tạo điều kiện thay vì đe nẹt, nhũng nhiễu, thậm chí kỳ thị thì khi đó chúng ta mới có thể mơ đến một môi trường kinh doanh lành mạnh.
Đáng tiếc, các báo cáo khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp về cải cách thủ tục hành chính nói chung hiện nay đều chỉ ra rằng các doanh nghiệp vẫn bị gây khó dễ, bị “hành” dưới nhiều hình thức. Các doanh nghiệp vẫn phải “xin xỏ” thay vì “yêu cầu” các cơ quan hành chính thực hiện các thủ tục hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Báo cáo khảo sát thủ tục thuế năm 2016 mà VCCI vừa công bố, chỉ ra một xu hướng đáng lo ngại là việc trả chi phí không chính thức của doanh nghiệp có dấu hiệu gia tăng (từ 32% năm 2014 lên 34% năm 2016).
Trên thực tế có chuyện, doanh nghiệp dù làm đúng vẫn phải có khoản phí “bôi trơn” vì sợ sẽ bị bắt bẻ, làm khó trong các thủ tục hành chính.
Thế nên, muốn có một môi trường kinh doanh lành mạnh, quyết tâm chính trị thôi chưa đủ, hô hào thôi chưa đủ, cần phải có những hình thức kỷ luật cụ thể đối với những công chức có thái độ hách dịch, thiếu nhiệt tình, thân thiện với doanh nghiệp, người dân. Các công chức, cơ quan hành chính cần phải thay đổi tư duy từ cơ quan “quản lý” sang bộ phận “cung cấp dịch vụ”, coi người dân, doanh nghiệp là khách hàng thay vì đối tượng quản lý như hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.