Sách giáo khoa, sao cứ rối?

24/05/2019 04:40 GMT+7

Chủ trương một chương trình, một số sách giáo khoa từ lúc được nêu ra cho đến nay luôn có những ý kiến tranh luận, kể cả trong buổi thảo luận lần cuối luật Giáo dục (sửa đổi) vào ngày 21.5, trước khi Quốc hội xem xét thông qua.

Đây là một chủ trương ngay từ ban đầu được thống nhất rất cao sau khi T.Ư ban hành Nghị quyết 29 năm 2013 và Quốc hội thông qua Nghị quyết 88 năm 2014. Thế nhưng, sự tranh luận luôn diễn ra trong các kỳ họp. Thậm chí đã có lúc chính Quốc hội cũng nghi vấn với chủ trương này khi cho rằng cần phải có lộ trình phù hợp và chỉ nên thực hiện khi điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước phát triển.
Xảy ra điều này, một phần vì nhiều người vẫn còn nhầm lẫn giữa chương trình học và sách giáo khoa (SGK) nên mới có những cách đặt vấn đề như mỗi địa phương hay thậm chí mỗi trường chọn SGK riêng thì sẽ thi như thế nào trong các kỳ thi quốc gia? Mỗi tác giả viết SGK khác nhau thì làm sao kiểm soát được có viết đúng, đủ chương trình học?... Những mối lo này là không thực tế nếu hiểu rõ chương trình là văn bản quy phạm pháp luật, là duy nhất và được thực hiện thống nhất trên toàn quốc. Trên cơ sở chương trình này, các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK. Và chỉ những SGK được Bộ GD-ĐT thẩm định, cho phép mới được ban hành, sử dụng. Như vậy, SGK chỉ là một tài liệu trong quá trình dạy và học. Tùy điều kiện của địa phương, nhà trường, học sinh... người dạy và học có quyền lựa chọn SGK phù hợp.
Đây là con đường mà hầu hết các nước trên thế giới đang thực hiện và mang lại nhiều lợi ích cho người học. Một bộ SGK thống nhất trên toàn quốc từ vùng xa xôi hẻo lánh đến các thành phố lớn đã không còn phù hợp trong cuộc sống ngày nay. Chính vì thế, hiện nay ở một vài tỉnh thành, một số trường học, học sinh mua SGK rồi để đó vì đã có tài liệu giảng dạy của riêng địa phương hoặc giáo viên biên soạn phù hợp hơn.
Chính vì vậy, cho dù còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng cuối cùng Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn đề nghị giữ quan điểm một chương trình, một số SGK. Vấn đề còn lại là làm sao để một chủ trương ưu việt được thực hiện đúng và mang lại hiệu quả thật sự.
Trách nhiệm đó trước hết thuộc về Bộ GD-ĐT.
Đó là làm sao để không gây ra những bối rối trong dư luận, trước hết đối với những người trực tiếp ảnh hưởng đến chủ trương này là giáo viên, học sinh, phụ huynh. Cần phải đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng để có một đội ngũ giáo viên đủ sức đảm đương việc dạy học chủ động, không xem SGK là pháp lệnh như thời gian qua. Cơ sở hạ tầng của trường học cũng phải thay đổi để phù hợp. Nhà quản lý giáo dục các cấp cũng phải đủ tầm, đủ tâm để hạn chế tiêu cực và phát huy hiệu quả của chủ trương...
Nhiều điều cần phải làm để thấy rằng dù muốn dù không, đến lúc này chúng ta không thể quay lại đi một mình một con đường mà không còn ai đi nữa. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.