Sách giáo khoa - thị trường màu mỡ

21/09/2018 04:43 GMT+7

Một nghịch lý diễn ra là đầu năm học phụ huynh sốt vó chạy mua sách giáo khoa cho con, có khi vật vã tìm đủ chỗ vẫn không mua được, như năm học này chẳng hạn, nhưng sau đó lại ít khi dùng hoặc không thể tái sử dụng ở những năm sau đối với các sách có kèm bài tập.

Nghịch lý này tồn tại suốt nhiều năm qua mặc cho có nhiều lời góp ý. Chính vì vậy câu hỏi mà bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, đặt ra: “Tại sao lại để phí mỗi năm xuất bản hơn 1 triệu bản sách giáo khoa (SGK), xã hội mất hơn 1.000 tỉ đồng nhưng đến năm sau thì không dùng được nữa?” cũng chính là vấn đề mà phụ huynh cũng muốn biết lâu nay.
Còn nhiều biểu hiện khác cho thấy việc sử dụng SGK rất lãng phí và có dấu hiệu lợi ích nhóm ở từng cấp độ.
Nhiều giáo viên thừa nhận dù vẫn bám chương trình SGK hiện hành nhưng giáo viên hoặc tổ bộ môn phải soạn bộ tài liệu giảng dạy riêng và học sinh hầu như chỉ học theo tài liệu này. Bởi kiến thức trong SGK nhiều khi quá hàn lâm, lại không cập nhật thực tiễn. Vậy học sinh vừa mất tiền mua một bộ SGK nhưng lại không sử dụng hết công năng của nó vừa tốn thêm một khoản phí cho bộ tài liệu nhà trường biên soạn!
Với học sinh tiểu học, vài năm nay có tình trạng sử dụng SGK song ngữ môn toán. Mục đích tuy cũng tốt đẹp rằng để học sinh có điều kiện tiếp cận và nâng cao tiếng Anh khoa học ngay từ nhỏ. Nhưng trên thực tế hầu như không có giáo viên tiểu học nào sử dụng phần tiếng Anh cũng như phần lớn học sinh đều chỉ đọc phần tiếng Việt! Vậy tại sao phải yêu cầu phụ huynh mua loại sách này cho con dù họ đã có sách bình thường?
Sách tiếng Anh cho học sinh, đặc biệt ở cấp tiểu học, là một thị trường đầy “cạnh tranh” đến mức phụ huynh không thể nào hiểu nổi tại sao mỗi năm có thể thay một bộ sách khác!
Khi cuộc sống có quá nhiều thay đổi, khi nhu cầu của học sinh ở từng địa phương, vùng miền khác nhau thì chính sách một chương trình, một bộ SGK là một lực cản. Cũng như vậy việc chỉ một đơn vị được xuất bản, phát hành bộ SGK duy nhất trên toàn quốc đã bộc lộ quá nhiều bất cập.
Chắc chắn xã hội đang mong chờ câu trả lời từ phía Bộ GD-ĐT cũng như Nhà xuất bản Giáo dục VN rằng có hay không nhóm lợi ích? Có vi phạm pháp luật về độc quyền trong biên soạn và phát hành SGK? Những giải thích từ các cơ quan chức năng thật sự cần thiết trong giai đoạn này nhằm tránh lặp lại những sai lầm cũ khi chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng một chương trình, nhiều SGK.
Chưa kể, đã đến chúng ta cần đặt vấn đề về khả năng tồn tại của SGK điện tử, SGK mở, ở đó kiến thức được chia sẻ và cập nhật liên tục mà không phải đợi qua nhiều công đoạn của bộ SGK truyền thống.
Có lẽ chỉ khi nào chúng ta nhìn người học là đối tượng cần phục vụ chứ không phải là một “thị trường” cần khai thác thì những nhóm lợi ích mới may ra không còn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.