Thói vô cảm

21/12/2018 04:55 GMT+7

Rào cản ở đây chính là thái độ vô cảm, sự thiếu chuyên nghiệp, thiếu chuyên tâm của đội ngũ cán bộ công chức, đặc biệt ở nơi mà lẽ ra phải gần dân nhất là cấp xã, phường.

Phó giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội, ông Phạm Thanh Cao khi nói về câu chuyện cán bộ tư pháp phường Văn Miếu, Hà Nội chậm trễ trong cấp giấy chứng tử cho người dân, gây bức xúc dư luận hồi tháng 8.2017 cho rằng: “Vấn đề của cán bộ phường trong trường hợp này không phải ở trình độ, không phải ở nghiệp vụ mà là thái độ”. Thái độ thờ ơ, vô cảm với công việc của người dân.
Đánh giá này khá đúng với tình huống lên phường 3 lần không xin được giấy chứng tử cho người thân xảy ra ở P.Tân Phước Khánh (TX.Tân Uyên, Bình Dương) mấy ngày nay.
Khoan nói về động cơ gây khó khăn cho người dân trong trường hợp này của cán bộ phường Tân Phước Khánh, mà chỉ nguyên thái độ vô cảm với một việc mà người ta nói “nghĩa tử là nghĩa tận” đã khiến dư luận không thể chấp nhận, chí ít về mặt tình người. Đáng tiếc những câu chuyện như thế này không phải là hiếm. Phải giải quyết các thủ tục hành chính với chính quyền địa phương như thủ tục khai sinh, khai tử, hộ tịch, hộ khẩu, thủ tục nhà đất, xây dựng… là cơn ác mộng với không ít người dân và doanh nghiệp.
Trong hành trình hơn 20 năm, chương trình cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ đã đi những bước rất dài. Việc cắt giảm các thủ tục không cần thiết, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân đã có những kết quả đáng kể.
Nhưng phải nói thật rằng, mục tiêu của cải cách là lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để đánh giá hiệu quả, làm thước đo cho hiệu quả của cán bộ thực thi công vụ vẫn còn rất xa vời. Mà rào cản ở đây chính là thái độ vô cảm, sự thiếu chuyên nghiệp, thiếu chuyên tâm của đội ngũ cán bộ công chức, đặc biệt ở nơi mà lẽ ra phải gần dân nhất là cấp xã, phường.
Một trong những đặc trưng của hoạt động công vụ là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước (nhân danh nhà nước) do các công chức, viên chức nhà nước tiến hành. Do đó, trong nhiều trường hợp, nếu tâm không sáng, trách nhiệm không cao sẽ dẫn đến lạm quyền, gây tổn hại cho dân, cho xã hội. Hồ Chủ tịch từng nói: “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”.
Để công chức không biến thành “sâu mọt” của dân thì giáo dục đạo đức công vụ, chấn chỉnh thói vô cảm bằng những cuộc vận động hay những tuyên truyền khẩu hiệu không thôi chưa đủ. Nó phải được lượng hóa bằng các bộ “Chỉ số cải cách hành chính” (điều mà chúng ta đang còn thiếu).
Đi liền với đó, sẽ phải thực hiện đánh giá hiệu quả, chất lượng công việc, đề bạt cán bộ căn cứ vào mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Và cuối cùng, khi sự việc đã xảy ra, luân chuyển cán bộ không phải là biện pháp kỷ luật đủ sức để răn đe, làm gương ngăn ngừa việc lặp lại ở nơi này nơi khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.