Tòa sợ trách nhiệm?

14/09/2013 03:10 GMT+7

Tòa án là cơ quan nhân danh nhà nước thực hiện việc xét xử. Nhưng thời gian gần đây nhiều vụ án được đưa ra xét xử cho thấy mặt trái của tòa, đó là việc sợ trách nhiệm và vô cảm.

Chẳng hạn như vụ án trộm mấy chục con dê xảy ra từ năm 2005, các cơ quan tiến hành tố tụng bắt rồi tha bị cáo Trần Thị Kim Nguyệt tổng cộng 6 lần (3 lần phê chuẩn lệnh bắt, 3 lần ra quyết định cho tại ngoại điều tra). Đến nay đã 8 năm trôi qua, số phận pháp lý của một con người vẫn long đong lận đận theo tòa vì chưa có bản án nào được tuyên. Có tội hay không có tội vẫn lơ lơ, lửng lửng. Trong khi đó, thẩm quyền của tòa án là rất rộng với hệ thống bộ luật, luật, nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật khác… làm công cụ cho tòa thực hành quyền lực nhưng cả hội đồng xét xử đều không dám sử dụng bất kỳ công cụ nào.

Trong hoạt động tố tụng hình sự, tòa được trao quyền để tuyên một bị cáo có tội và không có tội. Thế nhưng, có thẩm phán từng tuyên một bị cáo vô tội tâm sự đã bị cơ quan điều tra, Viện kiểm sát… tẩy chay! Bởi vậy, trong thực tế, rất ít thẩm phán dám “lội ngược dòng nước”, bản án đơn thuần được tuyên xuôi theo kết luận điều tra và cáo trạng do sợ trách nhiệm, sợ đụng chạm. Ngay cả quyền khởi tố tại tòa khi có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, trong lịch sử tố tụng chưa thấy một quan tòa nào áp dụng mà lại “dĩ hòa vi quý” bằng cách trả hồ sơ cho cơ quan điều tra làm lại. Nếu cơ quan điều tra vẫn giữ nguyên quan điểm không khởi tố, tòa sơ thẩm cũng chỉ kiến nghị lên cấp trên là cùng. Tiếp đó là điệp khúc hủy án để xử lại. Cứ lòng vòng như thế. 

Dưới một góc độ khác ở phiên tòa Sóc Trăng, tòa lại tuyên án “chui”, né đương sự của một vụ kiện dân sự cũng là chuyện lạ lùng hiếm có. Theo bộ luật Tố tụng dân sự, phiên tòa sơ thẩm thì “phải có sự có mặt của nguyên đơn” (điều 199), “phải có sự có mặt của bị đơn” (điều 200). Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì đã quyết định tuyên án mà không cần sự có mặt của nguyên đơn lẫn bị đơn. Cần phải nói rằng để được tòa án thụ lý, xét xử người khởi kiện phải nộp án phí. Dưới một góc độ nào đó đây cũng là “khách hàng”, đã trả phí để được tòa phân xử nên họ phải được tòa tôn trọng, được quyền nghe tuyên án, được quyền tham dự phiên tòa để thực hiện quyền kháng cáo nếu quyền và lợi ích của họ bị xâm phạm.

Đi sâu vào hoạt động xét xử của tòa án mới thấy nhận xét của Trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Bá Thanh (tại buổi làm việc với TAND tối cao ngày 11.9) rất chính xác, rằng “luật pháp mình mơ mơ màng màng…”. Nhìn chung đến nay nước ta có rất nhiều luật, nhưng khi có vụ việc liên quan đến pháp luật thì như vướng vào mê hồn trận. Ranh giới hình sự, dân sự mong manh không rõ ràng. Áp dụng hình phạt thì không dám nặng tay nên cứ bị hủy tới hủy lui. Còn án dân sự thì khỏi nói xử sao cũng được nên xử mãi không xong. Đó là một trong những nguyên nhân khiến án tồn đọng, kéo dài và tốn tiền bạc công sức của các bên, lãng phí ngân sách nhà nước chi cho hoạt động của hai cấp xét xử mà các quan tòa thì chẳng ai bị xem xét kỷ luật.

LS Hà Hải
(Đoàn luật sư TP.HCM)

>> Lại điều tra bổ sung kỳ án trộm dê
>> 12 phiên tòa chưa xử được vụ án trộm dê
>> Gay cấn phiên tòa xử vụ trộm dê 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.