Trách nhiệm gác cổng

27/03/2018 04:15 GMT+7

Những ngày qua, dư luận không khỏi bức xúc về bộ phim Điệp vụ Biển Đỏ , do Trung Quốc sản xuất được công chiếu tại VN, bởi đoạn cuối có ý đồ tuyên truyền sai lệch rằng South China Sea (tức Biển Đông - NV) thuộc chủ quyền Trung Quốc.

Mưu đồ tuyên truyền trong bộ phim đã quá rõ ràng, giới chuyên gia và báo chí quốc tế cũng đã chỉ ra điều này từ nhiều ngày trước khi phim được công chiếu chính thức tại VN. Tờ Hoàn Cầu thời báo, vốn thường xuyên đăng tải các luận điệu hiếu chiến về Biển Đông, cũng đã “khen ngợi” bộ phim trên về việc “tuyên truyền” tình hình biển đảo bằng cách thể hiện “sức mạnh” của quân đội Trung Quốc.
Do Trung tâm nghệ thuật truyền hình của Cục Công tác chính trị thuộc hải quân Trung Quốc hợp tác với một số hãng phim thực hiện, bộ phim có cả sự hiện diện của tàu đổ bộ Côn Lôn Sơn cùng một số tàu khác (thuộc biên chế Hạm đội Nam Hải). Đây chính là những chiến hạm hiện diện trong những cuộc tập trận gần đây tại Biển Đông - vốn thường kèm theo các thông điệp đầy tính đe dọa. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng ngang nhiên nói vùng biển cuối phim ở gần cái gọi là “Quần đảo Nam Sa” mà thực chất là quần đảo Trường Sa của VN. Như vậy, mọi thứ đã quá rõ ràng, thế thì tại sao Cục Điện ảnh không thừa nhận sai?
Suốt nhiều năm qua, để bảo vệ chủ quyền Biển Đông, chúng ta không chỉ đối mặt không ít thách thức về an ninh quốc phòng, mà còn phải ứng phó với không ít chiêu trò xâm phạm chủ quyền bằng các sản phẩm giáo dục, văn hóa… Điển hình như việc lén lút đưa các bản đồ có hình “đường lưỡi bò” vào VN, rồi các hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc hoạt động “chui” tại VN cũng đã tuyên truyền sai lệch về chủ quyền VN… Thực tế này cho thấy chúng ta phải luôn luôn cảnh giác và Cục Điện ảnh chính là một trong những cơ quan làm nhiệm vụ “gác cổng” để ngăn chặn các nội dung tuyên truyền sai lệch trên.
Không chỉ cơ quan chức năng, mà ngay cả các đơn vị hoạt động trong ngành văn hóa cũng phải tham gia trong nhiệm vụ “gác cổng”. Trong đó, bao hàm cả các công ty kinh doanh trong lĩnh vực điện ảnh dù có vốn nước ngoài nhưng hoạt động tại VN cũng cần phải tôn trọng chủ quyền của quốc gia sở tại. Không thể khi mọi chuyện quá rõ ràng mà ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc phát hành phim của CGV VN, vẫn ngụy biện rằng khán giả đã suy diễn khi bức xúc với phim Điệp vụ Biển Đỏ.
Vì vậy, với những gì được “cài cắm” trong phim Điệp vụ Biển Đỏ lọt lưới để trình chiếu tại VN thì rõ ràng Cục Điện ảnh chưa hoàn thành nhiệm vụ và CGV đã có thái độ chưa đúng với người dân VN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.