Xu hướng văn minh

13/07/2017 05:53 GMT+7

Liên ngành Công an, Quốc phòng, Tài chính, Viện KSND tối cao và TAND tối cao vừa dự thảo Thông tư quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền đặt, việc tạm giữ, hoàn trả, tịch thu, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã đặt để đảm bảo theo quy định tại điều 122 của bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Đây là xu hướng văn minh, dân chủ trong hoạt động tố tụng. Các quốc gia có nền tố tụng tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Đức, Anh đã áp dụng từ rất lâu và nhận được sự đồng tình từ người dân. Và rất hiếm có tình trạng bị can, bị cáo bỏ trốn sau khi được bảo lãnh tại ngoại, như một số lo ngại.
Thực ra, ở VN, năm 2013 đã có quy định về đặt tiền bảo đảm để thay đổi biện pháp tạm giam. Tuy nhiên, do không có hướng dẫn cụ thể nên hầu hết các cơ quan điều tra không áp dụng biện pháp này, hoặc có thì tùy nghi ứng biến.
Tuy nhiên, mức đặt là bao nhiêu tiền là vấn đề cần phải bàn kỹ. Dự thảo hiện quy định cho phép bị can, bị cáo được đặt 30 - 200 triệu đồng để không bị tạm giam. Đa phần các ý kiến cho rằng, với những trường hợp tội ít nghiêm trọng và các bị can, bị cáo có địa chỉ rõ ràng, có xác nhận của chính quyền địa phương, có người bảo lãnh theo luật; đồng thời xét đến yếu tố tại ngoại không làm ảnh hưởng đến quá trình điều tra của cơ quan công an thì mức như vậy là phù hợp.
Nhưng với những tội liên quan đến kinh tế, trốn thuế... thì tố tụng các nước đều căn cứ vào tình hình thực tế để xác định mức tiền bảo đảm tại ngoại hầu tra.
Dự thảo cần chi tiết hơn nữa, những tội danh nào, những hành vi nào thì có quyền đặt tiền để được tại ngoại nhằm tránh bị lạm dụng, lợi dụng. Đặc biệt, không nên giới hạn tội nào mà tùy vào mức độ nặng hay nhẹ mà có những quy định, mức tiền đặt linh hoạt.
Chẳng hạn, những tội xâm phạm an ninh quốc gia lớn, tội tham ô, tham nhũng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản rất nguy hiểm, tái phạm thì các cơ quan hoàn toàn có thể đưa ra quyết định không cho bảo lãnh. Dù bao nhiêu tiền cũng không cho phép tại ngoại. Rồi cũng cần phân định rõ thêm những đối tượng được áp dụng, ví dụ như phân loại về trình độ, bị can, bị cáo tốt nghiệp đại học, có nghề nghiệp ổn định sẽ khác với người vô gia cư, vô nghề nghiệp, hoặc có tiền án, tiền sự...
Cũng không nên áp dụng một mức tiền chung đối với tất cả các đối tượng. Cần phải xem xét cụ thể các khu vực (vùng sâu, vùng xa, nông thôn, thành phố) hay mức thu nhập (người giàu, người nghèo) để có những quy định phù hợp hơn. Tội phạm kinh tế, đặc biệt nghiêm trọng mức đặt 200 triệu sẽ là quá thấp. Nhưng với những tội ít nghiêm trọng, vùng sâu vùng xa thì 30 triệu cũng là quá lớn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.