Đừng làm mất ý nghĩa của giấy khen học trò

15/06/2017 15:49 GMT+7

Tình trạng “lạm phát” giấy khen vào dịp cuối năm học kéo theo đó là việc đánh giá không đúng năng lực học tập thực tế của học sinh sẽ gây ra nhiều hệ lụy.

Việc tặng giấy khen cho học sinh vào dịp cuối mỗi năm học nhằm ghi nhận những thành tích đã đạt được trong năm học qua, đồng thời có tác dụng động viên, khích lệ học sinh cố gắng, nỗ lực nhiều hơn về học tập, rèn luyện trong năm học tới. Những học sinh khác cũng nhìn vào đó mà phấn đấu, noi gương. Tuy nhiên, khi các đơn vị trường học phát giấy khen tràn lan, không phản ánh đúng năng lực học tập, quá trình rèn luyện của học sinh thì việc khen thưởng không còn mang nhiều ý nghĩa. Không những thế, đó còn là một biểu hiện đáng lo ngại của “bệnh thành tích” cần phải đẩy lùi.
Trước đây, để được nhà trường trao tặng giấy khen vào dịp kết thúc năm học, mỗi học sinh thường phải cố gắng, nỗ lực vượt bậc trong suốt cả năm học, cả trong học tập và rèn luyện đạo đức. Trong một lớp, số học sinh đạt danh hiệu học sinh tiên tiến hay học sinh tiên tiến xuất sắc chỉ đếm được trên đầu ngón tay, đồng nghĩa với việc những tờ giấy khen được tặng cũng có giá trị động viên, khuyến khích nhiều hơn. Những tấm giấy khen lúc đó thường được treo trang trọng nơi phòng khách, góc học tập. Những học sinh khi nhận được giấy khen không chỉ bản thân cảm thấy vinh dự mà còn mang lại niềm tự hào, hãnh diện cho các bậc phụ huynh.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ý nghĩa của tờ giấy khen học sinh phần nào bị giảm sút khi số học sinh nhận giấy khen trong mỗi lớp vào dịp kết thúc năm học ngày càng nhiều. Số học sinh được khen tặng nhiều khi chiếm tới hơn 90% sĩ số học sinh trong lớp. Cũng bởi vậy mà trước đây, khi số học sinh được nhận giấy khen còn ít, nhiều đơn vị trường học còn tổ chức trao trang trọng trước toàn trường trong buổi lễ bế giảng năm học. Thì nay, giấy khen thường được giáo viên chủ nhiệm nhận về phát trực tiếp cho học sinh vì số lượng học sinh được nhận giấy khen quá nhiều. Trước thực tế trên, có ý kiến cho rằng, các thế hệ học sinh ngày nay có điều kiện học tập tốt hơn, khả năng tiếp thu kiến thức nhanh hơn nên kết quả học tập tốt hơn cũng là điều bình thường và nên xem đó tín hiệu đáng mừng.
Nhận đinh trên không phải không có cơ sở nhưng chưa thực sự thuyết phục nếu nhìn vào cách đánh giá, xếp loại học lực, khen thưởng học sinh mà nhiều đơn vị trường học đã và đang áp dụng thời gian qua.
Ở bậc THCS và THPT, số lượng học sinh giỏi, học sinh tiên tiến được xem là một trong những tiêu chí cơ bản để “đo đếm” chất lượng dạy và học. Các danh hiệu thi đua của lớp, của trường cũng phụ thuộc nhiều vào số học sinh được khen thưởng hằng năm. Vậy là, để mang về các danh hiệu cho trường, lớp và cho cả bản thân, không ít giáo viên đã cho điểm “thoáng” đối với học sinh. Những học sinh lẽ ra chỉ được xếp loại học lực trung bình cũng được “đẹp hóa” về điểm số để cuối năm xếp loại học lực khá, giỏi. Với mong muốn tạo điều kiện cho học sinh có học bạ “đẹp” để xét tốt nghiệp, chuyển cấp, những học sinh lớp 9, lớp 12 thường được “ưu ái” nhiều về điểm số trong các bài kiểm tra định kỳ, cuối kỳ.
Đây cũng là lý do khiến cho những học sinh ở các khối lớp này dễ dàng có được giấy khen khi năm học kết thúc. Tình trạng “lạm phát”giấy khen học sinh diễn ra khá phổ biến ở cấp tiểu học, nhất là sau khi Bộ GD-ĐT ban hành quy định mới về cách đánh giá học sinh Tiểu học. Theo đó, những học sinh đạt danh hiệu hoàn thành xuất sắc hoặc hoàn thành tốt nội dung các môn học và rèn luyện sẽ được tặng giấy khen. Đáng nói, việc xác định các danh hiệu chủ yếu không căn cứ vào điểm số mà dựa vào những nhận định, đánh giá ít nhiều có phần cảm tính của giáo viên đã dẫn tới tình trạng, có lớp, hầu như tất cả học sinh đều được nhận giấy khen với những nội dung “khen” khác nhau.
Tình trạng “lạm phát” giấy khen vào dịp cuối năm học kéo theo đó là việc đánh giá không đúng năng lực học tập thực tế của học sinh sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Nhiều học sinh có thể ngộ nhận về khả năng, sức học của bản thân, từ đó, lơ là, chủ quan, chểnh mảng trong học tập. Cách đánh giá, xếp loại học sinh theo lối “cào bằng” không chính xác cũng tạo ra sự thiếu công bằng, làm triệt tiêu động lực thi đua giữa các học sinh. Những tờ giấy khen khi được trao một cách dễ dàng cũng sẽ làm mất đi sự trân trọng cần thiết, bên cạnh đó, giá trị tinh thần, ý nghĩa vốn có của việc khen thưởng cũng bị giảm sút. Đây thực chất là một biểu hiện rõ nét của “bệnh thành tích” vốn đang tồn tại bấy lâu nay. Muốn đẩy lùi, cần phải bắt đầu từ sự thay đổi mạnh mẽ về nhận thức trong cách thức đánh giá, khen thưởng học sinh từ cấp quản lý đến mỗi giáo viên ở các đơn vị trường học.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.