Hoạt động từ thiện cần phải được quản lý minh bạch

09/12/2015 08:45 GMT+7

Rất nhiều nhóm từ thiện không có giấy phép, không có kiểm toán, chỉ có số tài khoản của trưởng nhóm và lòng tin của các nhà hảo tâm đối với trưởng nhóm mà thôi.

Rất nhiều nhóm từ thiện không có giấy phép, không có kiểm toán, chỉ có số tài khoản của trưởng nhóm và lòng tin của các nhà hảo tâm đối với trưởng nhóm mà thôi.

Hoạt động từ thiện nếu không được quản lý minh bạch rất dễ phản tác dụng - Ảnh: ShutterstockHoạt động từ thiện nếu không được quản lý minh bạch rất dễ phản tác dụng - Ảnh: Shutterstock
Những hoạt động từ thiện tự phát đang nở rộ ở Việt Nam và đang dần dần thể hiện sự bất cập của mình khi xung quanh nó đã và đang có nhiều tai tiếng. Xã hội đang đứng trước một câu hỏi rất nhạy cảm: “Hoạt động từ thiện đang cứu rỗi hay giết chết sức sống của cộng đồng?”.
Bát nháo
Hoạt động từ thiện tự phát đang rất bát nháo khi mà mặc dù đã có quy định về thành lập quỹ, nhưng các tổ chức từ thiện mọc lên, quyên góp tiền, hoạt động mạnh mẽ lại phớt lờ quy định. Rất nhiều tổ chức từ thiện được hình thành từ việc chia sẻ một đường dẫn tới một bài báo hoặc vài bức hình chụp một hoàn cảnh thương tâm. Người chia sẻ những thông tin đó nghiễm nhiên trở thành đầu mối quyên góp từ thiện. Họ lập ra những tài khoản ngân hàng và những ai có lòng hảo tâm sẽ gửi tiền vào tài khoản đó để nhờ đem tới giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn đã được chia sẻ. Nếu như cái tâm của những người phát động từ thiện nào cũng “sáng” thì dù có vi phạm pháp luật, hoạt động chui vì chưa rành luật, chưa hiểu luật thì vẫn có thể thông cảm được. Tuy nhiên, thực tế lại đặt ra rất nhiều vấn đề xung quanh các hoạt động từ thiện tự phát.
Một số tổ chức từ thiện đang bị thành viên và cộng đồng phân tích, mổ xẻ về những hoạt động của họ. Nhiều tổ chức không minh bạch được việc mình đã chi tiêu số tiền quyên góp đó như thế nào. Họ hoàn toàn không có bất kỳ hoạt động kiểm toán nào để cung cấp thông tin chính xác đến các thành viên tham gia góp tiền. Ở một nhóm từ thiện tại Nghệ An, các thành viên đang cảm thấy bức xúc khi số tiền của họ gửi tới ủng hộ hoàn cảnh này lại bị trưởng nhóm tự ý ngắt bớt với lí do chia sẻ cho những hoàn cảnh khác nữa. Tuy nhiên, hoàn cảnh éo le nào cũng được kêu gọi giúp đỡ, và nhiều hoàn cảnh bị cắt bớt một khoản, vậy các khoản đó nằm ở đâu thì lại không thấy ai công khai cả.
Hiện tại, có rất nhiều nhóm hoạt động từ thiện như vậy. Họ không có giấy phép, không có kiểm toán, chỉ có số tài khoản của trưởng nhóm và lòng tin của các nhà hảo tâm đối với trưởng nhóm từ thiện đó mà thôi. Các cơ quan chức năng gần như thờ ơ, đứng ngoài cuộc với các hoạt động từ thiện này dù số tiền họ sử dụng cho hoạt động từ thiện hằng năm là rất lớn.
Để từ thiện luôn nhân văn
Cùng với sự thiếu minh bạch trong thu chi, các tổ chức từ thiện tự phát thường hay gặp phải vấn đề khi triển khai một dự án từ thiện. Đó là việc họ đem tiền đi cho một cách quá dễ dãi, góp phần làm cho ý chí lao động và sức sống ở một bộ phận người nghèo bị giảm xuống, kéo theo sự trì trệ lâu dài về mặt ý thức lao động của xã hội.
Chính quyền một tỉnh miền núi phía Bắc đã phải dán khuyến cáo khách du lịch không nên cho tiền, cho kẹo với trẻ em ở đó vì làm như thế các em sẽ bỏ học, chỉ ra đứng chờ bánh kẹo, tiền hay vật dụng từ thiện dưới miền xuôi đưa lên. Bên cạnh câu chuyện về các em đó, còn nhiều câu chuyện khác về việc lợi dụng hoàn cảnh của mình để trục lợi từ cộng đồng. Và từ các hoạt động từ thiện dễ dãi đó, vô tình biến những người lương thiện nghèo khổ thành những người với dã tâm lừa gạt lòng tốt của cộng đồng, biến họ thành người vi phạm pháp luật mà họ không hề hay biết.
Hiện nay, ở các bệnh viện, trung tâm bảo trợ xã hội vẫn có nhiều nhà hảo tâm tới giúp đỡ về tiền bạc, cơm nước, thuốc men cho người bệnh. Việc này là không nên. Mọi hoạt động từ thiện nên dồn về một đầu mối chung, là đại diện bệnh viện hoặc trung tâm bảo trợ xã hội. Từ đó, bằng các hiện vật hoặc hiện kim được tài trợ, họ sẽ lên kế hoạch sử dụng sao cho phù hợp nhất với cơ sở mình, dưới sự giám sát của đơn vị tài trợ. Điều này giúp cho việc sử dụng nguồn tài trợ hợp lí, thiết thực và đạt hiệu quả cao và tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc như vụ việc hình ảnh trần truồng của các bệnh nhân tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Nghệ An bị tung lên mạng xã hội. Hành vi tung ảnh người khác trong các trạng thái tâm lý không bình thường hoặc lõa thể là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, nó khởi phát từ sự buông lỏng quản lý của Trung tâm Bảo trợ Xã hội Nghệ An đối với nhà từ thiện. Thiết nghĩ rằng, bệnh nhân cần có một chế độ chăm sóc riêng mà nếu không phải là bác sĩ thì không ai có quyền can thiệp vào quá trình chăm sóc đó. Đằng này, các nhà tài trợ được nghiễm nhiên giao lưu với bệnh nhân, tự cho họ ăn, chăm sóc cho họ. Chuyện này đối với các nước khác là vô cùng cấm kỵ, chỉ có các bác sĩ, y tá trực tiếp điều trị mới có quyền chăm sóc cho bệnh nhân của mình mà thôi.
Về phía cơ quan chức năng, cần tăng cường sự quản lý đối với các quỹ từ thiện bằng cách đưa ra những thông tư, quy định hướng dẫn hoạt động từ thiện từ phía người cho và cả từ phía người nhận. Thiết nghĩ, nếu các cá nhân, cơ quan, tổ chức khi nhận từ thiện đều phải được sự giám hộ của cơ quan chức năng thì việc đòi hỏi bên làm hoạt động từ thiện cần phải có giấy phép là hoàn toàn có thể làm được. Tôi đã gặp nhiều đoàn từ thiện tới nơi nhưng không có giấy phép tổ chức quỹ từ thiện nên bị địa phương từ chối hoạt động. Đây là một điểm sáng cần được nhân rộng ra toàn xã hội. Muốn cho một hoạt động trở nên văn minh và giữ được bản chất nhân văn như khi nó khởi phát cần phải có những quy định, chế tài và sự giám sát rõ ràng minh bạch ngay từ đầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.