Không cho tiền người xin ăn chưa phải là giải pháp

26/12/2014 16:57 GMT+7

Có số người ăn xin đông đảo nhất trong cả nước, ảnh hưởng trực tiếp tới bộ mặt văn minh đô thị là bức xúc chưa giải quyết được trong nhiều năm của chính quyền TP.HCM. Mới đây, UBND TP.HCM ra quyết định, từ ngày 28.12.2014 sẽ đưa người ăn xin, người sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định vào các cơ sở xã hội.

Có số người ăn xin đông đảo nhất trong cả nước, ảnh hưởng trực tiếp tới bộ mặt văn minh đô thị là bức xúc chưa giải quyết được trong nhiều năm của chính quyền TP.HCM. Mới đây, UBND TP.HCM ra quyết định, từ ngày 28.12.2014 sẽ đưa người ăn xin, người sống nơi công cộng không có nơi cư trú nhất định vào các cơ sở xã hội.

Việc giúp người nghèo khó một ít tiền lẻ là niềm hạnh phúc của không ít người - Ảnh: Reuters 
Thành phố cũng đề nghị các tổ chức tôn giáo trên địa bàn (Thành hội Phật giáo, Tổng Tòa giám mục TP... ) phổ biến chủ trương đến giáo dân, phật tử, người có đạo… đồng thuận với chủ trương: “không cho tiền người xin ăn”.
Tuy vậy, đề nghị không cho tiền theo tôi chưa phải là giải pháp nhằm xóa tình trạng ăn xin trên địa bàn thành phố. Không ít người sẵn sàng giúp đỡ người xin ăn nếu họ cảm thấy xúc động trước những người già, người tàn tật thấy rõ trước mắt. Chưa kể, làm phúc cũng là niềm vui của con người nên bảo họ tuyệt đối không cho tiền người xin ăn thì thật khó. 
Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước nhiều năm nay không còn người xin ăn. Phải khẳng định rằng chính quyền TP.Đà Nẵng đã làm rất tốt công tác này. Thành phố đã đầu tư xe chuyên dụng, lực lượng liên ngành túc trực 24/24 ở khắp các địa điểm có người ăn xin; các pa-nô, áp-phích tuyên truyền treo trên các tuyến đường; lập đường dây nóng và nói rõ mức thưởng 200.000 đồng/lần cho người phát hiện, gọi báo có đối tượng xin ăn…
Đi kèm với những biện pháp thu gom người ăn xin, chính quyền đã giúp toàn bộ các hộ gia đình chính sách nghèo trên địa bàn xóa nhà tạm, gần 70% hộ nghèo có nhà xây. Người nghèo được hỗ trợ về vốn, hướng dẫn kỹ thuật, đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Thêm vào đó, Đà Nẵng còn có chính sách nâng mức trợ cấp lên gấp đôi cho người nghèo cô đơn và người tàn tật (từ 45.000 đồng/người/tháng lên 90.000 đồng/người/tháng)... và xây dựng, nâng cấp các trung tâm nuôi dưỡng người già neo đơn và trẻ mồ côi.
Nếu TP.HCM muốn xóa bỏ hoàn toàn nạn xin ăn chèo kéo thì nên làm triệt để đến nơi đến chốn: Thay vì chỉ đợi người dân trình báo, Sở Lao động Thương binh Xã hội phải thành lập đội xe chuyên dụng đi thu gom người xin ăn vào các cơ sở bảo trợ xã hội, giống như lực lượng trật tự đô thị thường xuyên đi dọn dẹp nạn buôn bán lấn chiếm lòng lề đường vậy. Do đặc thù TP.HCM là nơi người xin ăn dồn đến từ các tỉnh thành (thậm chí từ Campuchia sang) chiếm số lượng đông đảo so với người xin ăn có gốc sinh sống ở thành phố nên khi thu gom họ về các cơ sở bảo trợ xã hội, thành phố nên có sự phối hợp với chính quyền địa phương các tỉnh để trả họ về quê hương.
Song song đó, UBND TP.HCM cần đầu tư nâng cấp các cơ sở bảo trợ xã hội nuôi người già neo đơn và trẻ mồ côi… để nơi đó có thể giữ họ ở lại như một “ngôi nhà thứ hai”.
Trong nỗ lực để TP.HCM sạch đẹp và an toàn, thiết nghĩ khi ra bất kỳ quyết định nào, UBND TP.HCM phải có nhiều biện pháp song song để quyết định đó được thực thi chứ không chỉ để “nói cho vui”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.