Mẹ ơi, con không muốn đi học nữa!

19/04/2016 11:15 GMT+7

Những vết thương trên cơ thể hy vọng sẽ lành, nhưng tổn thương còn lại trong những trái tim non nớt thì có hết không? Hay là cứ một ngày, sẽ có vài ba em bé lại không muốn đến trường vì bị bạn đánh đập, áp bức?

Những vết thương trên cơ thể hy vọng sẽ lành, nhưng tổn thương còn lại trong những trái tim non nớt thì có hết không? Hay là cứ một ngày, sẽ có vài ba em bé lại không muốn đến trường vì bị bạn đánh đập, áp bức?

Những cảnh đánh hội đồng bạn học ngày càng phổ biến trong các trường học. Trong ảnh là hai nữ sinh xông vào túm tóc, lên gối, tát... vào mặt bạn vì nghi người này nói mình mất trinh - Ảnh: chụp từ clipNhững cảnh đánh hội đồng bạn học ngày càng phổ biến trong các trường học. Trong ảnh là hai nữ sinh xông vào túm tóc, lên gối, tát... vào mặt bạn vì nghi người này nói mình mất trinh - Ảnh: chụp từ clip
“Đôi gò má con nóng ran, hai tai con đỏ bừng, tóc xổ ra rối bời, nước mắt loang lổ cả khuôn mặt bé nhỏ. Hôm nay, con lại bị đánh. Xung quanh con là những tiếng cười ha hả, những lời nói nhiếc móc, lẫn những câu hô hào: “Đánh cho nó chết đi! Đánh đi”. Cứ mỗi câu là một cái tát vào mặt, rất đau. Con khẽ ngước lên tìm kiếm một sự giúp đỡ nào đó, đáp lại là ánh mắt trốn tránh của một cô bạn thân, là nụ cười hả hê của một cậu bạn cùng lớp. Con lại tự vùng vẫy trong sự tuyệt vọng của chính mình.
Thế rồi trận đánh kết thúc, con cũng được “giải thoát”, lê chân đi thu dọn đống sách vở bị rơi ra, con thấy mình kiệt sức lắm rồi. Bây giờ, con mới dám khóc thiệt to, con thấy nỗi uất ức đang bóp nghẹt cổ họng mình. Đây là lần thứ mấy rồi, con để yên cho người ta đánh đập, chửi bới? Con tự hỏi, tự khóc, và cũng tự trả lời. Bởi vì con biết, trong chuyện này, không ai giúp được con cả.
Cố gượng cười bước vào nhà, giả vờ nói với mẹ là ăn cùng bạn nên no rồi, con vào phòng thiệt nhanh để không bị mẹ phát hiện ra gương mặt bị đánh đến tội nghiệp này. May là mẹ mải nấu ăn nên không thấy gì. Trùm chăn lại cho dù thời tiết đang rất nóng, con lại khóc, nhưng không dám khóc to. Con sợ mẹ biết, sợ mẹ đau lòng, sợ mẹ không can tâm thấy đứa con gái bé bỏng bị đánh lại lên tận trường hỏi cho ra nhẽ. Con không muốn mẹ làm lớn chuyện, con sợ lại bị đánh vì tội mách phụ huynh.
Ngày hôm sau không hiểu sao cô giáo chủ nhiệm biết chuyện, gọi con và con bé đánh con về nhà cô giải quyết. Nhưng có ai bị đánh hai, ba lần mà dám nói hết sự thật cho cô biết không hả mẹ, lại còn ngay trước mặt thủ phạm đánh mình. Tay chân con run bần bật, hơi thở gấp hơn, con chỉ dám nói theo lời dặn của bạn: “Tụi em chỉ đánh giỡn nhau cho vui thôi”. Thốt ra một lời nói dối như vậy, con thấy mình thật oan ức. Con thực ra là muốn đấu tranh, muốn nói là con không sai gì cả. Lần trước chỉ vì bạn lười làm trực nhật mà đánh con, lần này là vì bị đổ oan lấy trộm thư bạn. Vậy thì vì sao con phải bị đánh tàn nhẫn như vậy? Nhưng cái trợn mắt dằn mặt của bạn ấy làm những lời con định nói bị ghìm chặt trong cổ, thêm một lần nữa, con bị đánh oan.
Mẹ ơi, ngày mai con không muốn đi học nữa...”
Có lẽ, nếu như trên mạng xã hội và báo chí không đăng tải nhiều tin bài về học sinh đánh bạn, cô giáo đánh trò,... thì dòng nhật ký này của tôi sẽ không được lục lại lần nữa. Năm đó, tôi học lớp 9, cô bé lớp 9 nhát gan sẽ không bao giờ dám kể chuyện bị đánh đập dã man cho mẹ hay cô giáo nghe. Năm nay, nếu cậu bé lớp 9 ở Hà Tĩnh không ngất lịm đi, nếu gương mặt của em bé lớp 1 không sưng lên vì cô giáo bôi mật gấu, thì chắc câu chuyện bị bạo hành học đường này sẽ đi vào im lặng mãi mãi. Những vết thương trên cơ thể hy vọng sẽ lành, nhưng tổn thương còn lại trong những trái tim non nớt này thì sẽ hết chứ? Hay là cứ một ngày, sẽ có vài ba em bé lại không muốn đến trường như chính tôi ngày xưa?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.