Minh bạch môi trường ở Vĩnh Tân

09/10/2016 13:49 GMT+7

Chỉ chưa đầy nửa tháng qua, đã có hai Ủy viên Bộ chính trị về thăm và làm việc tại Bình Thuận và nhắc đến môi trường Vĩnh Tân. Đó là các ông Nguyễn Văn Bình và ông Nguyễn Thiện Nhân.

Dù mỗi cuộc làm việc của các vị này đều có những nội dung khác nhau. Nhưng có một nội dung nổi bật trong báo cáo của tỉnh Bình Thuận, làm các vị lãnh đạo này đặc biệt quan tâm: đó là nguy cơ ô nhiễm môi trường ở Vĩnh Tân (H.Tuy Phong, Bình Thuận).
Trong cả hai cuộc làm việc trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai đều kiến nghị TƯ quan tâm đặc biệt đến vấn đề ô nhiễm môi trường ở các nhà máy nhiệt điện của Vĩnh Tân. Theo ông Nguyễn Ngọc Hai, với mức độ xả thải về xỉ than, nước thải làm mát máy… ở Vĩnh Tân hiện nay thì nguy cơ ô nhiễm môi trường là điều khó tránh khỏi. Nhưng để xử lý những nỗi lo này, hầu như chưa có lối ra. Bình Thuận liên tục có các kiến nghị gửi đến TƯ.
Trong cuộc làm việc của Trưởng ban Kinh tế TƯ Nguyễn Văn Bình với Bình Thuận (ngày 19.9), Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân “tiết lộ” rằng, ở từng nhà máy đã có đánh giá tác động môi trường. Nhưng toàn bộ Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân hiện nay chưa hề có đánh giá tác động môi trường chiến lược toàn vùng. Theo ông Võ Tuấn Nhân, “sắp tới đây” Bộ này sẽ phối hợp cùng các chuyên gia vào Bình Thuận đánh giá tác động môi trường chiến lược toàn bộ Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân để nhận diện các yếu tố tác động trên cơ sở khi tất cả các nhà máy cùng hoạt động.
Cũng trong cuộc làm việc này, ông Cao Đức Phát- Phó trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế TƯ đã nói rằng: Biển ở Vĩnh Tân là vùng biển trong “sạch nhất miền Trung”. Nơi đây là vùng chuyên cung cấp tôm giống cho cả nước. Do vậy, phải tính đến việc bảo vệ môi trường biển ở Vĩnh Tân vào lúc này.
Cũng tại đây, ông Nguyễn Văn Bình đặt hàng loạt các câu hỏi liên quan đến lo ngại ô nhiễm môi trường. Chẳng hạn như công nghệ làm mát máy bằng nước biển ở các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân có ảnh hưởng gì đến môi trường biển không ? Xỉ than thải quá nhiều như thế, có ảnh hưởng gì đến môi trường, cuộc sống của dân hay phát triển du lịch không ? Ông Nguyễn Văn Bình rất lưu ý Bình Thuận và các bộ, ngành cần phải tận dụng tro than để tạo ra các loại vật liệu xây dựng, để giải phóng bãi xỉ hiện nay.
Tương tự, ngày 7.10, khi làm việc với lãnh đạo Bình Thuận về tình hình kinh tế xã hội và cuộc sống đồng bào các dân tộc trong tỉnh, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường ở Vĩnh Tân.
Tại cuộc làm việc này, ý kiến của PGS.TS Võ Sỹ Tuấn, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ VN và đồng thời là Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, khiến mọi người đặc biệt lưu ý đến Vĩnh Tân. Ông Tuấn kể rằng, chính cơ quan ông đã từng giúp Bình Thuận di dời hệ sinh thái san hô biển ở Vĩnh Tân, đem ra đảo Hòn Cau để bảo tồn và tránh bị hủy hoại khi triển khai các nhà máy nhiệt điện ở nơi này.
Theo ông Tuấn, “vấn đề không phải là đánh giá tác động môi trường”, mà cái chính là việc giám sát môi trường trong quá trình vận hành các nhà máy, xem họ có làm đúng như đánh giá tác động môi trường hay không. Ông Tuấn cho rằng, Bộ TN-MT cần có đánh giá tác động môi trường chiến lược bao gồm cả vùng biển lân cận của Ninh Thuận, chứ không chỉ có vùng biển Vĩnh Tân của Bình Thuận...
Ông Nguyễn Thiện Nhân nói, việc xả thải của các nhà máy ở Vĩnh Tân “phải được kiểm soát chặt chẽ’. Theo ông Nhân, bởi lẽ việc xả thải của các nhà máy không chỉ ngày một ngày hai, mà là “suốt đời dự án”. Cũng theo ông Nguyễn Thiện Nhân, sắp tới sẽ có một chương trình giám sát toàn diện hệ thống các nhà máy nhiệt điện trên cả nước, chứ không riêng các nhà máy nhiệt điện ở Vĩnh Tân. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết, vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay người dân và cử tri rất quan tâm.
Nói như thế để thấy rằng, lo ngại về ô nhiễm môi trường ở các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân đang là mối lo ngại lớn của người dân. Người dân cần được tiếp cận thông tin một cách minh bạch. Ngay cả vấn đề ô nhiễm môi trường nơi họ sống cũng phải được minh bạch và được xử lý rốt ráo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.