'Mưa lũ vậy, các biệt phủ ở Yên Bái có bị làm sao không?'

15/10/2017 11:29 GMT+7

Một chi tiết khá hài hước, trong những ngày dồn dập tin tức về mất mát do lũ lụt gậy ra, nhiều thành viên trên mạng xã hội chua chát hỏi nhau: “Mưa lũ vậy, các biệt phủ ở Yên Bái có bị làm sao không?”.

Đợt mưa lũ vừa qua ở các tỉnh phía Bắc đã gây hậu quả hết sức nặng nề. Theo số liệu thống kê của Văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, đến ngày 14.10, mưa lũ đã làm 63 người chết, 35 người mất tích và 35 người bị thương. Các địa phương có số người chết và mất tích nhiều nhất vẫn là Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa, Sơn La. Đặc biệt, địa phương Yên Bái vừa hứng chịu đợt lũ quét kinh hoàng trước đó không lâu.
Vấn đề phá rừng đã được công luận đề cập nhiều, song hậu quả thảm khốc thì ngày càng nhãn tiền với những con số tăng vọt làm nhiều người lo lắng. Một đợt áp thấp nhiệt đới gây mưa lũ mà làm 63 người chết, đủ nói lên một thực tại đáng lo ngại về sự bấp bênh của sinh mạng con người. Phá rừng làm thủy điện, phá rừng lấy gỗ, phá rừng làm nương rẫy… Đi dọc các tuyết đường từ Tây Bắc đến Tây Nguyên, hình ảnh quen thuộc là những quả đồi cạo trọc nham nhở. Diện tích rừng tự nhiên teo tóp không cách gì cứu vãn mặc cho lệnh đóng cửa rừng của Chính phủ hết lần này đến lần khác được ban hành!
Một chi tiết khá hài hước, trong những ngày dồn dập tin tức về mất mát do lũ lụt gậy ra, nhiều thành viên trên mạng xã hội chua chát hỏi nhau: “Mưa lũ vậy, các biệt phủ ở Yên Bái có bị làm sao không?”. Người ta đang tìm thấy một sự liên quan mật thiết giữa thiên tai và nhân tai ở đây: Trách nhiệm của cán bộ đứng đầu các địa phương đến đâu trong việc quy hoạch dân cư, trong việc bảo vệ rừng? Trong đợt mưa lũ này, Yên Bái có ít nhất 22 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế ước tính lên đến 120 tỉ đồng. Địa phương này cũng từng nổi danh trên các mặt báo về tình trạng phá rừng trong những năm trước đây.
Sau khi dư luận ồn ào về các “biệt phủ” liên quan đến các cán bộ đầu tỉnh Yên Bái, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc, nhưng sau nhiều tháng, vẫn chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng, đồng nghĩa với việc, đang nợ dân một câu trả lời minh bạch về sự liêm chính của cán bộ địa phương.
Người dân nghèo là đối tượng hứng chịu tai ương của thiên nhiên nặng nề nhất, thảm khốc nhất. Không có “biệt phủ” nào bị cuốn trong trận mưa lũ vừa qua và cả những đợt bão lũ kế tiếp, dĩ nhiên, vì nó quá chắc chắn. Vậy nhưng, khi đặt ra câu hỏi: “Mưa lũ vậy, các biệt phủ Yên Bái có bị làm sao không?”, là người dân đã nhìn thấy và truy vấn về trách nhiệm những công bộc của dân. Họ đã làm gì để giúp người dân yên ổn, hay là tiếp tay cho việc phá rừng, khiến thiên tai có điều kiện để hoành hành khủng khiếp hơn?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.