Kinh doanh đa cấp là một phương thức phân phối sản phẩm hàng hóa linh hoạt của nhân loại, nhưng không phải nó phù hợp cho mọi nền kinh tế. Đặc biệt là với những nước đang phát triển như Việt Nam.
Sản phẩm của nhiều công ty đa cấp đã len lỏi khắp các vùng nông thôn gây hậu quả nặng nề cho nông nghiệp, nông thôn - Ảnh: Chí Nhân |
Kinh doanh đa cấp chỉ phù hợp ở những nền kinh tế đã phát triển, có hành lang pháp lý rõ ràng đầy đủ, ý thức thượng tôn pháp luật của người dân cao. Còn ở các nước đang phát triển hay chưa phát triển, nó sẽ gây hại rất lớn cho nền kinh tế và cho xã hội. Đặc biệt như ở Việt Nam, kinh doanh đa cấp ngày càng tỏ ra nguy hiểm.
Mô hình kinh doanh đa cấp phổ biến ở Việt Nam hiện nay là lấy sản phẩm làm phương tiện, lấy phân phối làm mục tiêu. Nghĩa là, chất lượng sản phẩm là điều không đáng quan tâm, mà quan trọng là phân phối cho được nhiều để thu lợi. Điều này đi ngược với phương thức kinh doanh đa cấp đúng nghĩa, là người ta dùng nó để tiết kiệm chi phí quảng cáo, chi phí đại lý, chi phí vận chuyển, chi phí kho bãi… để trả thưởng cho nhà phân phối một phần và phần còn lại đầu tư nâng cấp chất lượng sản phẩm. Còn ở Việt Nam, người ta bất chấp chất lượng sản phẩm như thế nào.
|
Về góc độ tài chính, kinh doanh đa cấp đang hút một lượng vốn nhàn rỗi khổng lồ trong dân để “nướng” vào việc mua những sản phẩm hàng hóa vô bổ. Nghiêm trọng hơn, trong một số công ty đa cấp, tiền tệ đang dần trở thành đối tượng để kinh doanh, do giá trị của sản phẩm chỉ là tượng trưng so với giá bán. Thí dụ như “gói đấm bóp mát xa” của 1 công ty đa cấp lên đến 12 triệu đồng, và có người mua một lúc đến 200 gói, trị giá đến 2,4 tỷ. Đây thực là kinh doanh tiền tệ trá hình.
Một số công ty đa cấp cho người len lỏi vào các sàn giao dịch địa ốc dụ dỗ người mua nhà đất đầu tư tiền vào kinh doanh đa cấp. Hiện nay có những công ty có gói kinh doanh trị giá gần chục tỷ đồng, là một dấu hiệu đáng sợ cho thị trường vốn.
Nhiều người bị mắc bẫy với chiêu giác hơi và bán gói trị liệu, một kiểu huy động vốn trá hình của công ty bán hàng đa cấp - Ảnh: Lương Ngọc
|
Ngoài những tác hại chính nói trên, còn rất nhiều tác hại khác của kinh doanh đa cấp, ví dụ như nó làm kiệt quệ sức dân trong tầng lớp dân nghèo, góp phần đẩy mạnh sự bần cùng hóa trong một bộ phận người dân.
Về mặt xã hội, nó tạo ra sự bất hòa mất đoàn kết trong những người thân thích, anh em bà con dòng họ, do người ta dụ dỗ nhau, lừa dối nhau để bán hàng đa cấp. Kiểu kinh doanh này cũng góp phần khơi dậy sự độc ác trong mỗi con người. Vì khi đã lỡ đem tiền đưa vào kinh doanh, trước nguy cơ mất vốn, người ta sẵn sàng nhắm mắt dụ dỗ tiếp những người thân của mình trở thành nạn nhân.
Và như vậy, một nền kinh tế đứng trước nguy cơ bị khủng hoảng đã đành, mà một xã hội cũng sẽ bị quay cuồng, đảo lộn những giá trị đạo đức. Con người tìm cách lừa lọc nhau nhiều hơn. Tình làng nghĩa xóm, tình cảm anh em thân tộc bị sứt mẻ.
Vì những lẽ đó, tôi thiết tha kêu gọi các nhà lập pháp Việt Nam cần nhanh chóng hạn chế, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn kinh doanh đa cấp ra khỏi nền kinh tế Việt Nam.
Không phải cái gì thế giới làm thì Việt Nam cũng phải làm. Mỗi nền kinh tế có một đặc thù riêng, chỉ chúng ta mới biết nên làm cái gì.
Bình luận (0)