Nợ công báo động đỏ, tỉnh vẫn xin thêm xe công?

11/07/2016 08:40 GMT+7

Trong khi nợ công của Việt Nam đang ở tình trạng báo động thì mỗi năm ngân sách vẫn phải chi khoảng 12.800 tỷ đồng cho xe công. Vậy mà nhiều tỉnh, thành vẫn tiếp tục ‘kêu khổ’ vì thiếu xe công.

Báo Thanh niên hôm 6.7 cho biết: Bản tin nợ công số 4 Bộ Tài chính vừa công bố cho thấy, dư nợ Chính phủ đã tăng từ gần 890.000 tỉ đồng lên hơn 1,8 triệu tỉ đồng trong khoảng thời gian từ năm 2010 - 2014. Vậy mà mới đây, khi tổng rà soát lại mức chi cho sử dụng xe công trên cả nước, ngoài việc cảnh báo khoản chi này phải siết lại bởi đã dư 7.000 xe dùng không đúng chức danh, vẫn có tỉnh, thành phố kêu thiếu và xin được bổ sung.

Một thành phố lớn nọ có đưa ra lý do xin thêm xe con phục vụ lãnh đạo (quy định mỗi sở chỉ được cấp 2 xe) vì thành phố này hiện đã sáp nhập với một tỉnh nữa cho nên địa bàn hoạt động rất rộng, nếu chỉ được trang bị 2 xe cho cấp sở sẽ rất khó khăn trong công việc. Điều này nghe ra cũng có lý, nhưng nếu địa phương nào cũng xin và lý do cũng đều chính đáng thì Chính phủ dù có tài thánh cũng bó tay.
Một bí thư huyện đoàn ở tỉnh Lai Châu kể, địa phương anh công tác là huyện Mường Tè, đường từ huyện lỵ xuống đến xã (cũng lại có tên là Mường Tè, một xã xa nhất) khoảng 200 km. Vì thế, mỗi lần anh xuống xã làm việc là mất vài ngày và luôn phải mang theo con dấu đỏ để có gì xử lý luôn sau khi soạn thảo văn bản tại chỗ. Đường xá nơi đây rất xấu, xe cơ giới khó đi nên chỉ có thể đi xe đạp. Lãnh đạo tỉnh nếu có xuống thì cũng thế, không khác.
Nếu so sánh về địa bàn hoạt động,có lẽ họ còn khó hơn rất nhiều so với thành phố đang xin xe kia.
Mới đây, Bí thư Thảnh uỷ TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng phát biểu trước các vị lãnh đạo Trung ương rằng, để thành phố Hồ Chí Minh có thể trở thành một Hòn ngọc Viễn Đông trong tương lai, Trung ương nên cho thành phố một cơ chế đặc thù. Không thể trở thành đầu tầu kinh tế cả nước một khi cái đầu tầu đó chạy bằng than, bằng dầu như trước.
Điều này tôi thấy rất đúng và rất nên. Và nên dành cho cả Thủ đô Hà Nội nữa. Chỉ có giải pháp này, những đầu tầu kinh tế của đất nước mới có điều kiện chuyển mình và tăng tốc. Và một khi đã được trao cơ chế đặc thù thì cũng nên linh hoạt hơn trong việc trang bị thêm xe. Tôi tin rằng , với cơ chế đặc thù được trao, có thưởng có phạt rõ ràng, 2 thành phố lớn nói trên sẽ tạo ra nguồn thu rất cao ngoài dự kiến.
Đối với những tỉnh nghèo vùng sâu, vùng xa như Lai Châu, luôn phải trông chờ vào ngân sách trung ương, thì cũng nên căn cứ vào tính đặc thù địa lý để trang bị xe công cho địa phương hơn địa phương khác. Nhất là tại những vùng miền núi này, phương tiện xe công cộng không được thuận lợi như các thành phố ...
Năm 2001, tôi sang Úc công tác. Mục đích chuyến đi là để tìm hiểu phương thức hoạt động của các đảng phái chính trị bên họ ra sao khi tất cả đều không được ngân sách chu cấp.
Các bạn Úc có nêu một ví dụ: Thủ đô Canberra là một thành phố nhỏ, thuần tuý chỉ là thủ phủ của quốc gia ở góc độ chính trị và hành chính. Nó không sầm uất và vắng vẻ vì dân số rất ít. Vì thế, vào cuối tuần, các chính khách đều ra sân bay để "bắt" chuyến bay bình dân giá rẻ về Sydney hoặc Melbourne... với gia đình. Không hề có chuyên cơ, vé máy bay cũng không lấy tiền từ ngân sách bởi chế độ lương của họ đã đủ chi trả, nếu họ chấp nhận làm chính trị. Đây là câu chuyện chúng ta nên suy nghĩ .
Lãng phí và tốn kém trong sử dụng xe công cần sớm được chấn chỉnh lại, dù nó vẫn là một câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi!". Bên cạnh đó, cần tách bạch chuyện công - tư trong việc sử dụng công xa nhằm tiết kiệm ngân sách. Cần sớm tính đến giải pháp khoán tiền đi lại cho người được tiêu chuẩn sử dụng. Đây vẫn là phương pháp tối ưu, dù chúng ta đã có cơ chế từ nhiều năm nay nhưng vẫn chỉ nằm trên bàn giấy.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, số xe công của Việt Nam hiện lên tới 40.000 xe, chưa bao gồm xe tại các đơn vị vũ trang nhân dân, doanh nghiệp nhà nước. Theo tính toán, một xe công trung bình tốn khoảng 320 triệu đồng/năm, bao gồm cả chi phí trả lương lái xe, chi phí hao mòn, sửa chữa, xăng dầu… Tổng cộng mỗi năm xe công tiêu tốn khoảng 12.800 tỷ đồng.
....Theo TS Lê Đăng Doanh, "ngay cả các quốc gia giàu có như Thuỵ Điển, Thuỵ Sĩ... cũng không có chế độ xe công đưa đón như Việt Nam. Trong khi đó, tại Việt Nam, ngay chủ tịch Liên minh hợp tác xã của tỉnh hay ông giám đốc sở cũng có xe công đưa đón riêng".
(Theo báo Dân trí)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.