Dạo một vòng cộng đồng mạng, tôi thấy nhiều bà mẹ vẫn hiểu nhầm sinh tại nhà là "liên sinh". Sự thật đây là 2 khái niệm khác nhau. Liên sinh (Lotus birth) là phương pháp sinh không cắt bỏ dây rốn, em bé vẫn gắn liền với nhau thai cho đến khi dây rốn rụng tự nhiên sau 3-10 ngày. Hầu hết các bệnh viện (kể cả ở phương tây) đều chưa chấp nhận phương pháp này vì liên sinh có thể gây nhiễm trùng nhau thai, dẫn đến em bé cũng bị nhiễm khuẩn. Hơn nữa, liên sinh hạn chế tối đa sự can thiệp y tế, cho nên những bà mẹ chọn liên sinh cũng không muốn nhận sự hỗ trợ từ bác sĩ và bệnh viện.
Sinh tại nhà (không liên sinh) thì lại được chấp nhận nhưng không khuyến khích ở nhiều nước có nền y học phát triển, với điều kiện sức khỏe thai phụ và thai nhi bình thường, được theo dõi cẩn thận trong suốt thai kỳ để đảm bảo ít gặp biến chứng khi sinh, và quá trình sinh nở được hỗ trợ bởi bác sĩ và hộ sinh. Sinh tại nhà giúp cho bà mẹ thoải mái hơn vì được sinh ở môi trường quen thuộc, được bên cạnh chồng và người thân. Ngoài ra, các bà mẹ còn có cơ hội làm chủ cuộc sinh nở của mình, tự quyết định những điều tốt nhất cho hai mẹ con.
|
Nếu bạn nghĩ bệnh viện sẽ tự biết làm tất cả những điều tốt nhất thì chưa hẳn. Bộ Y tế đã đưa ra hướng dẫn 6 bước chăm sóc thiết yếu cho bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau sinh theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong số đó có việc cho trẻ da kề da với mẹ ít nhất 90 phút sau sinh, cắt dây rốn muộn, hỗ trợ cho bé bú mẹ sớm và hoàn toàn. Tuy nhiên, theo trải nghiệm của tôi tại một bệnh viện lớn ở TP.HCM và kết quả “hỏi nhỏ” một số bà mẹ khác thì việc thực hiện 6 bước này khá lỏng lẻo, hoặc làm thiếu bước, hoặc làm chưa đến nơi đến chốn. Một vấn đề khác là WHO khuyến khích các bà mẹ tự chọn tư thế sinh nở mình thấy dễ chịu nhất như ngồi xổm, quỳ, đứng, nằm nghiêng, sinh dưới nước,... nhưng khi vào bệnh viện thì gần như họ chỉ có một lựa chọn là nằm ngửa – tư thế làm kéo dài thời gian chuyển dạ và có thể dẫn đến nhiều tai biến (theo thông tin từ trang web Bộ Y tế, ảnh chụp bên dưới).
|
Tôi nghĩ, nếu như các bệnh viện phụ sản làm đúng theo các quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế và WHO, cũng như đưa ra các chỉ định thật sự “có tâm” thì các bà mẹ sẽ không cần phải làm theo những thông tin chưa kiểm chứng và theo những người được cho là không có chuyên môn trong cuộc vượt cạn sinh tử của mình.
Thai sản liệu có thể thuận tự nhiên?
Thuận tự nhiên nghe đơn giản nhưng lại là khái niệm mỗi người hiểu một kiểu. Với tôi, thuận tự nhiên trọn vẹn phải được đặt trong môi trường tự nhiên lý tưởng - điều “hiếm có khó tìm” ở thời đại này. Nếu bạn biết đến Hiệu ứng cánh bướm (Butterfly effect), một con bướm đập cánh ở Brasil có thể gây ra cơn lốc ở Texas (Mỹ) thì bạn sẽ biết vạn vật đều có thể ảnh hưởng đến nhau, dù rất nhỏ. Tương tự vậy, cho dù trong suốt thai kỳ bạn cố gắng ăn thức ăn (bạn nghĩ là) được nuôi trồng tự nhiên, không dùng các sản phẩm công nghiệp, không uống thuốc, không vắc xin, không sữa công nghiệp thì hàng ngày bạn vẫn phải hít thở không khí có lẫn khói công nghiệp, nguồn nước bạn dùng vẫn qua xử lý công nghiệp và bạn vẫn phải tiếp xúc với hàng vạn sản phẩm của thời đại. Chỉ cần một lỗi nhỏ trong toàn bộ công thức cũng có thể cho ra kết quả sai, làm cho những việc lẽ ra rất tự nhiên của thế kỷ trước trở nên “sai quá sai” ở thời đại này. Tôi nghĩ tự nhiên của bây giờ khác với tự nhiên của ông bà xưa nhiều lắm, nên nương theo thời đại cũng là một cách sống thuận tự nhiên.
Hội nhóm hay bác sĩ?
Cũng có thời điểm mà những người được đào tạo chuyên môn như bác sĩ phải lên bàn cân với những hội nhóm trên một trang mạng xã hội như lúc này, trong lựa chọn của các bà mẹ Việt. Bà mẹ nào cũng muốn làm những điều tốt nhất cho con, nhưng tại sao họ lại chọn nghe theo những nguồn khác hơn là tham khảo ý kiến bác sĩ? Trước đây rất nhiều người chọn làm theo mẹo dân gian, phụ thuộc vào ông bà (với một số kiến thức không còn đúng trong thời điểm hiện tại), còn bây giờ họ lại tìm đến những hội nhóm và những bài viết không rõ tác giả.
Tôi nhớ có lần đưa con đi khám định kỳ ở một bệnh viện lớn. Vị bác sĩ nghe tôi nói về tình trạng của con với thái độ “chuyện cỏn con mà làm quá”. Bà cứ liên tục cắt ngang trình bày của tôi, đưa ra hướng dẫn và chỉ định ngay cả khi chưa nghe hết câu chuyện. Từ một người khá tự tin do chủ động đọc và tìm hiểu nhiều về kiến thức nuôi con, tôi chợt cảm thấy mình chẳng khác nào một bà mẹ lẩm cẩm và thiếu hiểu biết.
Phải công nhận là những năm gần đây tôi đã cảm thấy dễ chịu hơn khi vào bệnh viện. Nhiều bệnh viện đã hiện đại hơn, cập nhật hơn, biết cách làm dịch vụ hơn. Nhưng hầu hết bác sĩ vẫn có quá nhiều áp lực trong công việc, có quá ít thời gian cho bệnh nhân và có quá nhiều “thói quen cũ”. Vậy nên hỏi sao các bà mẹ luôn ngại ngùng, e dè khi tham khảo ý kiến bác sĩ. Click chuột và bấm enter rồi nhận hàng chục phản hồi ngay lập tức vẫn dễ chịu hơn, ngay cả khi đó là những phản hồi không giải quyết được vấn đề, mà chỉ là sự chia sẻ và đồng cảm.
Bên cạnh đó, một số bác sĩ tỏ ra chậm cập nhật kiến thức và khá bảo thủ, ví dụ như thói quen kê toa kháng sinh khi sốt siêu vi. Nhiều gia đình có điều kiện đã chọn chi thêm tiền cho con khám ở phòng khám quốc tế để hạn chế thuốc và xét nghiệm không cần thiết. Nhưng các bà mẹ siêng cập nhật thông tin mà thiếu tiền thì sao, chẳng lẽ lại mang kiến thức “học lỏm” đến cãi với bác sĩ có chuyên môn?
Riêng tôi, nếu hỏi tôi chọn hội nhóm hay bác sĩ, thì tôi chọn con tôi. Mỗi lần quyết định làm gì cho con, tôi đều cân nhắc rất nhiều nguồn: sách, báo, các hội nhóm, bác sĩ và quan trọng nhất là tình trạng cụ thể của con. Tôi nghĩ quá tin vào bất cứ nguồn nào, rồi áp dụng một cách thiếu tư duy lên con, đều đáng trách.
Bình luận