'Thầy cô và học sinh chúng tôi như những con chuột bạch'

08/09/2016 14:56 GMT+7

Giáo viên và học sinh chúng tôi không hoang mang, lo lắng sao được khi hiệu quả, chất lượng của phương thức đổi mới này vẫn là một dấu chấm hỏi còn ở phía trước.

Những ngày qua, câu chuyện dạy thêm, học thêm đang làm nóng xã hội lên từng ngày. Gần đây nhất là thông tin Bộ GD-ĐT vừa có dự thảo về đổi mới phương án thi năm 2017, trong đó có 3 bài thi bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ; 2 bài thi còn lại là tổng hợp các môn khoa học xã hội và khoa học tự nhiên.
Năm học mới đã bắt đầu, miếng cơm manh áo của những người làm nghề giáo bị xã hội đưa ra suy xét, luận bàn gay gắt chưa từng thấy. Chúng tôi thực sự rất buồn trước cái nhìn dò xét, ý kiến trái chiều, phản bác của dư luận xã hội. Nhưng đáng nói hơn, chúng tôi còn đứng trước áp lực đổi mới phương án thi THPT quốc gia (năm học 2016-2017) lần nữa. Cứ thế, giáo viên và học sinh không thể trở tay kịp, khi mỗi năm mỗi khác, năm này thế này, năm sau thế kia.
Chúng tôi chưa kịp thích ứng với cái cũ, phương án cũ thì bộ lại tiếp tục triển khai phương án mới. Không có cách nào khác, chúng tôi đành phải “ứng phó” mà thôi.
Hai năm liên tiếp (tính từ năm học 2014-2015 và 2015-2016 tới nay) thầy cô và học sinh chúng tôi giống như những con “chuột bạch” để thí điểm cho 2 phương án thi ở 2 năm hoàn toàn khác nhau, và năm nay tiếp tục là năm thứ 3 rơi vào tình cảnh tương tự.
Thiết nghĩ, đổi mới trong giáo dục rất quan trọng để nâng cao dân trí, đào tạo và phát triển nhân tài, góp phần đưa đất nước đi lên nhưng cách làm hiện tại của Bộ GD-ĐT chưa thật sự hợp lý và đáp ứng lòng mong mỏi của học sinh, giáo viên và toàn xã hội.
Việc làm giáo dục cũng giống như xây một ngôi nhà, cái móng không chắc và những viên gạch không tốt thì người thợ xây tài giỏi hay kết cấu thế nào thì vẫn là một ngôi nhà chất lượng không đảm bảo. Tại sao chúng ta chưa thay sách, chưa đổi mới phương pháp dạy học thật sâu, thật kĩ mà đã đổi mới phương pháp thi cử, tuyển sinh?
Tôi nghĩ, cách làm của bộ trước mắt có thể giảm tải được một số vấn đề, giảm được chi phí, đi lại… trong một chừng mực nào đó chứ chất lượng thật trong giáo dục thì chưa thể có sự dịch chuyển đáng kể? Thử hỏi cứ với cách dạy cũ, với chừng đó đơn vị kiến thức trong sách giáo khoa thì cách ra đề, chung hay riêng, 2 trong 1 hay thế nào đi chăng nữa vẫn khó lòng có được những kì thi chất lượng, đảm bảo và đánh giá đúng năng lực học sinh một cách toàn diện được.
Năm học (2016-2017) này, chúng tôi lại tiếp tục lo lắng, thấp thỏm vì không biết phương án mới, cách ra đề tổ hợp các môn tự nhiên và xã hội như thế nào nữa để mà dạy cho học sinh. Chúng tôi chưa kịp thích ứng với cái cũ, phương án cũ thì bộ lại tiếp tục triển khai phương án mới. Không có cách nào khác, chúng tôi lại đành phải “ứng phó” mà thôi.
Bất kỳ sự thay đổi mới mẻ nào cũng nhận được những suy nghĩ trái chiều từ dư luận xã hội. Đặc biệt trong việc dạy học thì đổi mới là điều rất khó để thích nghi. Đổi mới giáo dục để phù hợp với xã hội là điều tốt, nhưng tôi hy vọng những vị đầu ngành giáo dục hãy đặt bản thân vào tâm thế của những người dạy và học để đưa ra những quyết sách khả thi và có lợi cho đối tượng thực hiện.
Một năm học mới nữa lại bắt đầu, không biết nền giáo dục sẽ đi về đâu trong một chiến lược chẳng mấy cụ thể, rõ ràng và thay đổi liên tục này? Giáo viên và học sinh chúng tôi không hoang mang, không lo lắng sao được khi hiệu quả, chất lượng của phương thức đổi mới này là một dấu chấm hỏi còn ở phía trước?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.