Thủ khoa, khen rồi sao nữa?

Ngọc Mai
Ngọc Mai
16/07/2019 10:36 GMT+7

Bên cạnh sự may mắn, thủ khoa chắc chắn là những thí sinh nghiêm túc và có quyết tâm với việc học, việc thi, nên trước hết hãy dành cho họ sự trân trọng.

Ngay khi kết quả kỳ thi THPT Quốc gia được công bố, bên cạnh phổ điểm, dư luận lại dành sự quan tâm tới những thí sinh có thành tích cao nhất – là các thủ khoa, á khoa. Xin không bàn tới các yếu tố gian lận hay tiêu cực mà chỉ đề cập đến số điểm thi thực mà các em đã đạt được.
Trước hết, các em xứng đáng dành được lời khen vì đã hoàn thành tốt nhất trong kỳ thi, đánh dấu bước ngoặt lớn sau 12 năm học phổ thông và chuẩn bị bước vào một hành trình mới. Thành tích của các em nên được ghi nhận và trân trọng vì nó thể hiện sự nghiêm túc thật sự với kỳ thi.
Sẽ có nhiều người nói không cần đặt nặng chuyện thi cử, nhưng tôi thì không hoàn toàn đồng ý. Trong môi trường giáo dục hiện nay, điểm cao nhất có thể không đồng nghĩa là người giỏi nhất, nhưng để đạt điểm số cao nhất, chắc chắn đó là những thí sinh có đủ sự chuẩn bị, quyết tâm và tâm lý tốt. Như vậy lẽ nào không đáng để khen, không đáng khích lệ?
Suy rộng ra, không chỉ là thủ khoa kỳ thi THPT Quốc gia, mà bất kỳ danh hiệu thủ khoa nào cũng vậy. Bạn có thể không phải là người xuất sắc nhất, nhưng bạn nỗ lực nhất, bạn coi trọng việc học, việc thi của mình. Mà khi còn lên lớp, chẳng phải công việc quan trọng nhất của bạn chính là học đó sao?

Khen rồi sao nữa?

Như đã nói, thủ khoa rất đáng khen. Nhưng khen rồi sao nữa? Sau những lời khen ấy, bản lĩnh thật sự của các em sẽ có điều kiện bộc lộ. Sẽ có người ngủ quên trên chiến thắng và cũng có người xem đó là động lực để làm tốt hơn nữa.
Lúc vào trường, thủ khoa đầu vào sẽ được chú ý hơn cả. Ai cũng trầm trồ và mặc định bạn là “cao thủ”. Đó có thể là may mắn, cũng có thể trở thành áp lực. Đó có thể là cơ hội, cũng có thể là thách thức. Nếu biết tận dụng cơ hội từ xuất phát điểm tốt hơn mọi người thì thành công có thể nối tiếp thành công. Nhưng nếu chủ quan thì bạn có thể chệch quỹ đạo lúc nào không hay.
Sau học vẫn tiếp tục là học. Học đại học cũng có thi, cũng cần có điểm và dĩ nhiên điểm cao vẫn là rất tốt. Nhưng điều quan trọng và rất cần nhận thức rõ, ngoài điểm số, sinh viên cần chuẩn bị nhiều hơn thế – là kỹ năng, là hiểu biết xã hội, là nhận thức, tư duy và cả sự lựa chọn.
Khi vào trường vẫn học giỏi, vẫn điểm cao và trở thành thủ khoa đầu ra, bạn vẫn vô cùng đáng khen – vì đó là nỗ lực, là ý chí và sự nghiêm túc của bạn. Nhưng, hãy thật chú ý rằng con đường sau cánh cổng ấy không còn là chuyện học như trên, bởi bạn phải thực sự vào đời rồi.
Nói như vậy để thấy công việc của bạn khi lên đại học đã nhiều hơn, sâu hơn, rộng hơn so với thời phổ thông, nên phải hiểu thật rõ mình cần làm gì trong khoảng thời gian ấy. Làm thế nào để bạn chính là người làm chủ tương lai của mình chứ không phải trông chờ vào bất cứ điều gì khác.
Điều nhắn gửi cuối cùng: Cái gì đáng khen, đáng trân trọng hãy khen, hãy trân trọng trước đã.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.