Xe buýt 'tránh quấy rối tình dục' - Chuyện như đùa

29/12/2014 11:34 GMT+7

Hà Nội đang cố giành quán quân về những đề nghị lạ đời, dù rất nghiêm túc. Nào dự án xây 35 tượng đài tại các thị trấn ngoại thành, mỗi cái tối thiểu 20 tỉ đồng. Rồi đề án tổ chức “Bán rượu bia an toàn” bằng cách đưa đón đệ tử lưu linh tận nhà. Nay có thêm đề nghị “xe buýt riêng cho nữ” để tránh bị quấy rối tình dục.

Gần đây, Hà Nội đang cố giành quán quân về những đề nghị lạ đời, dù rất nghiêm túc. Nào dự án xây 35 tượng đài tại các thị trấn ngoại thành, mỗi cái tối thiểu 20 tỉ đồng. Rồi đề án tổ chức “Bán rượu bia an toàn” bằng cách đưa đón đệ tử lưu linh tận nhà. Nay có thêm đề nghị “xe buýt riêng cho nữ” để tránh bị quấy rối tình dục.

Hành khách nữ rồi sẽ có tuyến xe buýt riêng? - Ảnh: Ngọc Thắng
Là dân đi xe buýt khá thường xuyên, tôi dám chắc việc quấy rối tình dục, nếu có, chỉ là cá biệt và xảy ra vào giờ cao điểm. Khác với xe buýt bán vé tự động ở các nước, xe buýt Việt Nam thường có tiếp viên, luôn đi qua lại từ đầu đến cuối xe để bán vé. Đây là nhân tố chính phối hợp với tài xế và đường dây nóng, ngăn chặn các tệ nạn móc túi hoặc quấy rối tình dục.
Khoan hãy bàn về việc quấy rối tình dục mà hãy tập trung khắc phục những tệ nạn khác trên xe buýt. Nếu quan chức và những người có trách nhiệm đi xe buýt thường xuyên, chắc chắn họ sẽ phát hiện ra nhiều vấn nạn. Dân nghèo, học sinh, sinh viên đi xe buýt nhiều nhất và chính họ là "nạn nhân mãn tính" chưa có thuốc chữa vì bị “khủng bố tinh thần” thường xuyên. Từ việc phóng nhanh, giành đường vượt ẩu đến dừng đột ngột chờ khách chơi chơi; rồi bóp còi ỏm tỏi, đập thùng xe rầm rập. Tệ hại nhất là nạn chửi thề khi “tám” điện thoại, khi tài xế và tiếp viên nói chuyện với nhau. Cứ từng cặp rất ăn ý, tài xế thế nào thì tiếp viên thế đấy.
Công bằng mà nói, có những tài xế và tiếp viên rất dễ thương, lịch sự nhưng trước số đông "chợ búa" áp đảo thì như muối bỏ biển. Mỗi năm, nhà nước bỏ ra hàng chục ngàn tỉ để trợ giá, bù lỗ cho xe buýt, riêng năm 2014, TP.HCM trợ giá xe buýt hơn 1.500 tỉ. Vậy mà nhà xe đối xử với khách rất tệ, cứ như họ là người ban ơn, bỏ tiền ra bố thí nên mới “hành" khách như vậy.
Ở các nước phát triển mà hành xử kiểu đó thì mất việc chắc, chưa kể phải đền bù thiệt hại thương chấn về tinh thần do việc “khủng bố” gây ra, dù vô tình hay cố ý. Xe buýt bình thường, cả chục năm vẫn bị dân kêu như bọng, chẳng có mấy tiến bộ. Giờ đẻ thêm xe buýt nữ, không biết tổ chức và quản lý kiểu nào. Đẻ ra thì dễ, duy trì và hoạt động hiệu quả trong thực trạng xe buýt - cùng xe ben và xe bồn được liệt vào “3B - hung thần đường phố” - mới khó. Xin hãy bớt viển vông và chịu khó vi hành bằng xe buýt, nhất là giờ cao điểm, để hiểu và chia sẻ những nỗi khổ mà khách nghèo vẫn phải nhẫn nhục chịu đựng hàng chục năm qua.
Thay cho đề nghị xe buýt nữ, nên tập trung dứt điểm những vấn nạn của tài xế và tiếp viên đang ngày càng “sinh sản vô tính”, tra tấn khách mỗi ngày, trên từng cây số. Nếu không chịu thay đổi, cứ giữ cách làm cũ, xe buýt nữ sẽ lại càng tệ hại; việc “khủng bố tinh thần” sẽ nguy hiểm gấp đôi.
(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một doanh nhân tại TP.HCM
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.