Tôi yêu thơ Bertolt Brecht

13/02/2017 10:40 GMT+7

'Lực tôi nhỏ. Nhưng thiếu tôi, bọn chủ Sẽ ngồi trên quyền lực chúng vững vàng hơn' ( Gửi những người mai sau - B.Brecht )

Hồi tôi học đại học, sơ tán trên Đại Từ (Thái Nguyên), bỗng một ngày nào đó, thơ và kịch của B.Brecht đến với tôi. Hình như đó là khi tôi phải làm khóa luận cuối năm thứ ba, và có một khoảng thời gian về Hà Nội, được vào thư viện Trung ương tìm tài liệu. Dĩ nhiên, trước đó, chúng tôi đã được học về B.Brecht, nhưng giáo trình về Brecht quá đơn giản, nên chưa hiểu về thơ và kịch của ông được bao nhiêu.
Gọi Brecht là nhà thơ, vì ngay trong kịch của ông cũng có nhiều thơ. Và những đoạn thơ trong các vở kịch của ông thật ấn tượng. Nhiều đoạn thơ như những “Trữ tình ngoại đề” làm sáng lên tư tưởng của tác giả và của vở kịch. Sau này, khi thử viết kịch, tôi đã học được ở Brecht cách đưa thơ vào kịch, và tôi chợt nhận ra, giữa thơ và kịch có một mối giao duyên kỳ lạ.
Nhưng B.Brecht chính là nhà thơ lớn, vì thơ của ông. Đó là thơ “nói thẳng nói thật” mà vẫn là thơ, thậm chí là thơ tuyệt diệu. Brecht làm thơ một cách sáng rõ, khác với nhiều nhà thơ lớn khác làm thơ với những độ mờ khác nhau. Thơ sáng rõ mà vẫn là thơ “xịn” mới cực kỳ khó. Vì tố chất của thơ là sở hữu những khoảng mờ, những nước đôi nước ba, những ẩn nghĩa. Thơ Brecht khác hẳn. Nó nói toạc mọi thứ, như kiểu “nói một lần cho xong”. Ấy vậy mà nó vẫn bí ẩn. Ấy vậy mà đó vẫn là thơ hay. Vì sao vậy?
Hóa ra, phía sau những câu thơ tưởng chừng “trắng phớ” kia, vẫn còn một cái gì, hoặc nhiều cái gì. Những “cái gì” đó ẩn thật sâu, và đòi hỏi được giải mã.
“Trong buồng tôi treo một điêu khắc gỗ
Mặt nạ ác thần Nhật Bản thếp vàng
Mạch máu hằn lên trán nhăn khốn khổ
Tôi nhìn nó cảm thông:
Độc ác mãi sao mà mệt mỏi”
(Mặt nạ kẻ ác)
Bài thơ quá rõ, nhưng rồi, sau khi đọc lại, ta chợt nhận ra điều gì. Độc ác, độc tài có thể bẩm sinh mà có thể không bẩm sinh. Nhưng tỏ ra ác, cố gắng ác nhiều khi cũng rất mệt mỏi chăng? Chỉ có điều, đó là cảm nhận của người ngoài “không ác” nhìn vào, chứ bản thân cái ác chưa chắc đã cảm thấy mệt mỏi. Ngược lại, nó còn cảm thấy đầy hứng khởi khi thủ ác. Vậy thì cần một kết luận khác với cái kết của bài thơ. Brecht luôn khuyến khích chúng ta nghĩ khác, kết luận khác với ông. Nhiều vở kịch của ông luôn có cái kết mở, hoặc không có kết. Tùy người xem chọn cho mình cái kết nào mình thấy “vừa bụng” nhất.
Lại đọc một bài thơ ngắn khác của Brecht:
"Tôi ngồi xuống lề đường
Chờ người lái xe thay lốp mới
Nơi tôi ở không còn gì chờ đợi
Nơi tôi đi cũng chẳng có gì hơn!
Vì sao tôi vẫn bồn chồn
Chờ người thay lốp mới?"
(Chờ thay lốp xe)
Ở đây, chính hai chữ “bồn chồn” đã tố cáo tất cả. Dù nơi tôi ở hay nơi tôi đi cũng chẳng có gì khiến tôi hi vọng, nhưng “vì sao tôi vẫn bồn chồn”? Vì sao tôi vẫn bồn chồn chờ người thay lốp mới? Và “lốp mới” đây là gì? Thay “lốp xe” là thay cái gì? Đó chính là tâm trạng chính trị, tâm trạng triết học của nhà thơ vĩ đại, tùy người đọc muốn hiểu sao thì hiểu. Đó cũng là “thơ-phản thơ” mà B.Brecht rất hay dùng: những câu thơ còn tầm thường hơn cả những câu văn xuôi (xin lỗi văn xuôi nhé!). Vậy mà nó ám ảnh. Nó như từ đâu đâu không không đột nhiên ám lấy mình, như những kim cỏ may tình cờ găm vào quần, găm rất chặt mà “không một tiếng vang”. Thơ thượng thừa là như vậy. Không cần gọi đó là thơ thiền hay thơ gì. Thậm chí, có thể gọi đó là thơ-phản thơ cũng xong.
Với chúng tôi hồi ấy học khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, thì thơ và kịch Brecht không phải thuộc loại “cấm kỵ”. Ngược lại, nó được quảng bá, được ca ngợi, mặc dù rất ít được thấu hiểu. Có lẽ vì người ta hồi ấy nghĩ thơ và kịch Brecht “ủng hộ chủ nghĩa xã hội”, “chống chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa tư bản”, nên cho quảng bá và tôn vinh. Đó là cách hiểu khá ngây thơ. Nhưng Brecht đứng về phía nhân dân, đứng về phía dân chủ, đứng về phía những người bị áp bức, bị thua thiệt trong cuộc đời. Ông làm thơ hay viết kịch là vì những con người ấy. Ông ghét bọn chủ, bất kể là chủ kiểu gì. Bây giờ, ngay lúc này đây, có lẽ người Mỹ sẽ hiểu và đồng cảm với thơ và kịch của B.Brecht hơn cả, sau khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ. Như ngày xưa, khi Hitler lên làm Quốc trưởng nước Đức, và Brecht phải bắt đầu những ngày tháng sống lưu vong.
Thơ Brecht mãnh liệt giận dữ, nhưng hài hước. Hòa trộn hai tố chất ấy vào tác phẩm là một thành công lớn của ông. Vì thông thường, người ta hay nói “giận quá mất khôn”, nhưng Brecht thì “càng giận lại càng khôn”. Sự hài hước là biểu hiện cái khôn ấy. Nhưng hài hước một cách giận dữ, và giận dữ một cách hài hước, cái ấy mới khó.
“Khi cuộc chiến gần đây nhất qua đi
Có người thắng và kẻ thua
Bên phía kẻ thua người dân đen bị đói
Bên phía kẻ thắng
Người dân đen cũng đói”
(Cuộc chiến tranh sắp đến)
Phẫn nộ như thế đã tận cùng, nhưng hài hước như thế cũng tột bậc. Hãy dùng cái bụng người dân đen mà đo mọi cuộc gọi là “hoành tráng” ở đời này, chứ không riêng chiến tranh. Ngay chữ “dân đen” mà Brecht dùng ở đây đã hòa trộn cả giận dữ và hài hước. Hãy đọc lại bài diễn văn nhậm chức đầy kích động nhân dân (tức dân đen) của Tổng thống Donald Trump. Đó cũng là dấu hiệu xác nhận rằng thơ Brecht đang sống.
Còn một bài thơ này nữa:
“Kẻ thù của họ đang dẫn đầu phía trước
Giọng nói ra lệnh cho họ
Là giọng nói của kẻ thù
Kẻ nói đến kẻ thù
Là kẻ thù của họ”
(Khi phải hành quân nhiều người không biết)
Thế này thì rõ quá rồi phải không? Nhưng ai biết, ẩn bên trong đó là cái mỉm cười đầy nước mắt! Sự thật, ai cũng nói đến sự thật, nhưng sự thật là cái gì thì quả là khó nhận biết. Mà có khi sự thật lại là sự lừa dối.
Tôi yêu thơ B.Brecht vì thơ ông nói lên cái sự thật khó nhận biết ấy, cái sự thật có thể là sự lừa dối ấy, và thơ ông dành cho tất cả. Thơ ông thức tỉnh không chỉ người đang mê muội, mà thức tỉnh cả người đang tỉnh thức. Đó là thơ chính trị mà ta lại trào xúc cảm khi đọc nó. Thơ ấy ở nhiệt độ cao mà vẫn lạnh.
“Mẹ sẽ đón con thế nào đây, hỡi thành phố yêu thương
Máy bay ném bom đã tới trước con rồi
Lửa đã cháy dọc đường con trở lại
Lũ giết người báo trước cuộc hồi hương”
(Trở về)
Nhiều lần, tôi đã khóc khi đọc đoạn thơ này. Những giọt nước mắt đau xót và mừng vui. Và tôi nghĩ, có thể khi viết bài thơ ấy, Brecht cũng đã khóc. Một nhà thơ đích thực phải thể hiện đầy đủ các cung bậc “hỉ nộ ái ố” trong thơ mình. Brecht là một nhà thơ như vậy. Còn ông có tìm được sự bình yên và an lạc cho tâm hồn mình không? Tôi không biết. Nhưng tôi biết, Bertolt Brecht là một người trung chính và không biết sợ, cả trong đời và trong thơ. Tôi yêu thơ ông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.