‘Tôi yêu văn hóa trọng tình cảm, trọng gia đình của người Việt’

06/02/2019 13:30 GMT+7

“Tôi yêu văn hóa trọng tình cảm, trọng gia đình của người Việt”, anh Lee San, nhà báo người Hàn Quốc đã gắn bó với Việt Nam trong suốt 10 năm, chia sẻ.

Anh Lee San đang làm việc cho một tờ báo dành cho người Hàn tại Hà Nội. Anh cũng chính là tác giả kịch bản vở kịch Xe ôm, vở diễn hợp tác giữa Đoàn sân khấu nghệ thuật Aksan (Hàn Quốc) và Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.

Vở kịch được ra mắt lần đầu tiên vào cuối tháng 12. 2018 tại Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và dự định sẽ được giới thiệu tới khán giả Hàn Quốc trong thời gian tới.

“Tôi vẫn thường đi xe ôm”

Hỏi Lee San vì sao anh lại hứng thú với chủ đề về xe ôm đến vậy, anh cười: “Tôi vẫn thường đi xe ôm đi làm, hay đi chơi. Di chuyển bằng xe ôm, đăc biệt những khi có việc gấp gáp, hay nhất là vào giờ cao điểm, đường phố hay bị tắc, thì đi xe ôm là “thượng sách”, chứ không phải là taxi”.

Lee-San
Nhà báo Lee San cùng vợ và con gái Ảnh NVCC

“Xe ôm là nét văn hóa hấp dẫn tôi. Bởi với tôi, xe ôm không chỉ là phương tiện giao thông nữa mà còn là một trong những nét văn hóa không thể không nhắc đến khi tới Việt Nam. Tôi muốn vẽ nên bức tranh về văn hóa đường phố của Việt Nam. Ở đó, bạn có thể thấy nhiều những gương mặt của con người, của đời sống và tình cảm của những con người bình dị. Hơn hết, tôi còn thấy được tính cách của người Việt: tinh thần tự do, cầu tiến và dễ thích nghi”, nhà báo Lee San nói.

Yêu Việt Nam như yêu gia đình mình

Nhà báo Lee San tiết lộ, lý do đặc biệt anh viết kịch bản Xe ôm còn là vì tình yêu dành cho “đất nước Việt Nam của tôi”. Anh bảo, Việt Nam không chỉ là nơi anh sống và làm việc, mà thực sự là quê hương anh khi anh gặp được vợ mình. “Tôi nghĩ mình đã rất may mắn khi gặp được người vợ Việt Nam”, anh Lee San hạnh phúc chia sẻ. Cô con gái 8 tuổi của anh chị mang hai quốc tịch Việt - Hàn. “Tôi yêu Việt Nam như yêu gia đình mình vậy”, nhà báo Lee San nói.

Năm nay, anh Lee San cùng vợ và con gái về Đồng Tháp - quê vợ anh, để đón tết. “Tết là sự sum vầy. Hàn Quốc và Việt Nam đều có chung điều đó. Còn một trong những cái khác trong những ngày Tết ở Việt Nam khiến tôi thích thú là được ngắm các cây đào, mai, quất được tạo dáng khác nhau”.

Lee San bảo, anh rất thích không khi đón Tết ở quê vợ. “Mặc dù chỉ là một làng nhỏ bên sông Mê Kông,  nhưng mỗi độ Tết đến, không khí lại rất náo nức như mở hội vậy. Bao quanh là nước, dưới ánh nắng mặt trời trong vắt, tôi sẽ nằm trên chiếc võng ở hiên nhà, rồi thưởng thức một tách cà phê Việt Nam. Mọi thứ đều rất tuyệt”, Lee San cười.

“Việt Nam không chỉ có những biểu tượng như hoa sen, áo dài, phở…, mà có nhiều nét văn hóa khiến người ta bị hấp dẫn. Tôi yêu văn hóa trọng tình cảm, trọng gia đình của người Việt. Và những điều đó, chúng ta có thể thấy rõ hơn trong những ngày Tết ở Việt Nam”, nhà báo Lee San chia sẻ.

Vở kịch Xe ôm là vở kịch “đa văn hóa”, do nhà biên kịch - nhà báo Hàn Quốc Lee San viết kịch bản, phần âm nhạc do nhạc sĩ Hàn Quốc Paul Yang thực hiện, các giảng viên và sinh viên Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội tham gia biểu diễn.

Vở kịch kết hợp giữa yếu tố nghệ thuật Việt Nam và Hàn Quốc, gây xúc động với câu chuyện về những người trẻ từ nông thôn lên thành phố lập nghiệp, mang theo nhiều hoài bão, ước mơ. Họ làm nghề xe ôm để trang trải cuộc sống. Những cám dỗ của chốn thành thị có lúc khiến họ đi nhầm đường. Nhưng cuối cùng tình cảm gia đình, người thân, bạn bè đã giúp họ tìm lại chính mình. Và cuối cùng, họ đã có cái tết đoàn viên ấm áp.

Vở kịch với góc nhìn của người nước ngoài, được những nghệ sĩ Việt Nam thể hiện, mang đến góc nhìn vừa quen, vừa lạ, dung dị mà xúc động cho người xem. Không chỉ là những thông điệp ý nghĩa, vở kịch khiến người xem cảm nhận thấy sự tươi mới, trẻ trung trong cách thể hiện. 

“Thông qua hình ảnh của những người lái xe ôm, vở kịch khắc họa những nét đẹp trong ngày tết truyền thống và tầm quan trọng của tình cảm gia đình với người Việt. Đó cũng là điều mà chúng tôi muốn giới thiệu tới những khán giả nước ngoài thông qua vở kịch này”, ông Park Nark - jong, Giám đốc đoàn Sân khấu nghệ thuật Aksan (Hàn Quốc), chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.