Tôi yêu xe buýt thủ đô

02/02/2021 14:00 GMT+7

Bình minh Hà Nội được hiển hiện bằng những chuyến xe buýt xuôi ngược khắp nội, ngoại thành từ 6 giờ sáng hàng ngày.

Bình minh Hà Nội được hiển hiện bằng những chuyến xe buýt xuôi ngược khắp nội, ngoại thành từ 6 giờ sáng hàng ngày. Những chiếc xe sơn màu xanh, đỏ, phía trước hiển thị đèn led điện tử ghi số hiệu các tuyến trở nên quen thuộc, thân thương với người dân thường di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng này.
Tại các điểm đỗ, dừng xe, tôi thấy hầu hết là sinh viên các trường đại học - cao đẳng, các bác cao tuổi, một số cán bộ công chức. Chỉ số ít là khách vãng lai. Tất cả đều hướng về phía xe đến, mong ngóng, chờ đợi.
Một lần, tại nhà chờ xe, tôi hỏi một bác cao niên cùng đứng đợi xe: “Từ đây về Chùa Bộc đón xe số mấy, bác nhỉ?”. Bác ấy, đội chiếc mũ cát dạ, chắc là dân đi xe buýt “chuyên nghiệp”, vui vẻ trả lời: “Chú đợi xe số 23, nó qua Chùa Bộc đó. Mà nó sắp tới rồi!”. Vừa lúc đó, chiếc xe mầu xanh số 23 trờ tới, bác ấy ra hiệu cho tôi: “Chú lên đi, xe 23 đi Chùa Bộc đấy!”. Tôi cảm ơn rồi nhanh nhẹn lên xe.
Mới bước lên xe, tay víu vào chiếc cột, mắt đang nhìn quanh thì có tiếng nói thoang thoảng bên tai tôi: “Cháu mời bác ngồi đây ạ!”. Cháu gái sinh viên đeo ba lô vội đứng lên, nhường ghế cho tôi. Tôi cảm ơn cháu rồi vui vẻ ngồi vào ghế. Xe đi chừng 1, 2 bến nữa, có mấy người cao tuổi tay xách túi đồ lục tục lên xe. Không ai bảo ai, mấy cô cậu sinh viên lại vội vã đứng lên nhường ghế. Tôi vốn ít đi xe buýt, nên chứng kiến cảnh ấy cũng thấy mát lòng với cách ứng xử của lớp trẻ.
Tiếng loa trên xe bỗng vang lên: “Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, để phòng chống dịch bệnh viêm phổi corona, yêu cầu hành khách lên xe đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay sát khuẩn, thực hiện ăn chín uống sôi…”. Tôi để ý phía gần cửa lên xe, có cái giá sắt để lọ gel rửa tay dành cho hành khách. Anh phụ xe bán vé trên xe nhìn xuống phía cuối xe, rồi lao xuống dưới. Anh ta lấy từ túi đeo bên người ra chiếc khẩu trang y tế mầu xanh, đưa cho một bác cao tuổi. Tôi nghe loáng thoáng tiếng anh phụ xe: “Bác quên khẩu trang à? Cháu tặng bác 1 cái. Bác đeo vào, mọi người đều đeo khẩu trang phòng dịch, đó là trách nhiệm chung bác ơi!”. Ý thức phòng chống dịch Covid-19 trên xe buýt như vậy khiến tôi thấy yên lòng quá. Thảo nào Hà Nội chế ngự được sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm mà cả thế giới đang phải chao đảo vì nó.
Khi tôi mới nghỉ hưu được mấy tháng, theo chỉ dẫn của ông già hàng xóm, tôi mang ảnh chân dung đến trạm bán vé đăng ký làm thẻ đi xe buýt miễn phí theo chính sách của UBND thành phố. Người cao tuổi, sáu mươi trở lên, được ưu tiên đi xe buýt không phải mua vé mà. Với cái thẻ miễn phí trong tay, tôi có thể đi thăm con cháu, bạn bè khắp nội, ngoại thành bằng xe buýt, thậm chí hôm tôi lên sân bay Nội Bài bay vào TP.HCM cũng kéo va ly lên xe buýt. Thật là thuận tiện.
Mùa hè Hà Nội trời nóng như rang, nhưng lên xe buýt điều hòa tỏa khí lạnh mát rượi. Mùa đông gặp tiết trời mưa phùn gió bấc, ngồi trên xe buýt ấm áp như có máy sưởi. Hơn nữa, đi xe buýt chẳng lo va quệt xe máy, tai nạn giao thông giữa một thành phố hơn tám triệu dân, mật độ dân số 2.398 người/km2, mật độ giao thông 105,2 xe/km2 mặt đường. Vào giờ tan tầm, xe máy, xe ô tô chen chúc nhau lăn bánh chậm chạp như những đàn kiến bò trên mọi con đường. Rồi khói xe, bụi mịn ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe người tham gia giao thông. Nhiều khi nhìn cảnh chen chúc ấy, tôi rùng mình.
Với biết bao tiện ích như vậy, tôi đã trở thành hành khách “chung thân” của những tuyến xe buýt Hà Nội. Từ nhà tôi ở, chỉ cần đi bộ “thể dục” chừng và chục mét là đã tới điểm đỗ dừng xe buýt. Mươi phút, mười lăm phút là đã có một chuyến xe buýt đón khách. Có điều, một số điểm dừng đón khách không có mái che, ghế ngồi, chỉ trơ trọi một cái biển báo “Điểm đỗ dừng xe buýt”, khiến hành khách bất tiện trong thời tiết nắng nóng hay mưa gió, bão bùng. Giá như bến đỗ xe nào cũng được thiết kế mái che đàng hoàng, ghế ngồi tiện ích, biển ghi lịch trình của từng tuyến thì hay biết bao!.
Đường sá Hà Nội vốn nhỏ bé. Quỹ đất dành cho giao thông công cộng của Thành phố còn hạn chế, ngoại trừ những con đường mới mở ở ngoại thành. Cho nên, giá như những tuyến xe buýt chạy len lỏi qua những phố nhỏ, nhất là khu phố cổ Hà Nội được dùng loại xe buýt mini, với kích thước nhỏ gọn chắc sẽ phù hợp với diện tích mặt đường, thuận lợi hơn khi tham gia giao thông. Những chiếc xe buýt mini ấy chắc sẽ thân thiện hơn với hành khách và người tham gia giao thông, không còn mang tiếng là “hung thần đường phố” như một số người dân thường ta thán như vậy. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.