Hút nước biển vào hồ tôm gây mặn hóa nguồn nước ngọt - Ảnh: H.X.H |
“Bừa bãi”
Ông Nguyễn Ngọc Truyền, Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam tại phiên họp báo đầu tháng 11.2013 đã khẳng định: Việc UBND tỉnh Quảng Nam lập đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để xử lý các hộ nuôi tôm trái phép ở 2 huyện Núi Thành, Thăng Bình (dự kiến kết thúc giữa cuối tháng 10 nhưng đã tiếp tục gia hạn) là để rà soát các hồ nuôi có đúng quy hoạch và gây ô nhiễm môi trường hay không. Mặc dù cử tri liên tục lên tiếng, báo Thanh Niên cũng từng phản ánh tình trạng “đua nhau” nuôi tôm trên cát, nhưng quan điểm của chính quyền địa phương là khuyến khích nuôi tôm vì rất hiệu quả, phù hợp với điều kiện canh tác ở vùng cát. “Không phải hễ mở cuộc kiểm tra là cấm nuôi tôm”, ông Truyền trấn an sau khi có nhiều ý kiến đề nghị địa phương cân nhắc vì thu nhập từ các hồ tôm rất lớn.
Tuy nhiên, đầu tuần này, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Công điện số 18/CĐ-UBND thúc giục 2 huyện Thăng Bình, Núi Thành cùng các ngành chức năng tăng cường xử lý vi phạm trong nuôi tôm lót bạt trên vùng cát ven biển. Công điện thậm chí sử dụng từ “bừa bãi” để mô tả về tình trạng người dân chặt phá rừng phi lao phòng hộ ven biển, phá vườn và dỡ nhà, dùng xe cơ giới đào múc, san ủi, lót bạt để xây hồ tôm. Nghiêm trọng hơn, chức năng của rừng phòng hộ ven biển bị phá vỡ đã làm cho nước biển dễ dàng xâm thực sâu vào đất liền, gây ra hiện tượng mặn hóa nguồn nước ngọt ngầm và ô nhiễm môi trường đất, nước…
Khép vào qui hoạch
|
Ba bãi biển lớn ở Quảng Nam (Cửa Đại, Hà My, Tam Thanh) được chọn thí điểm mô hình quản lý và khai thác bãi biển du lịch trong 2 năm 2013-2014. Chưa rõ các bãi biển này sẽ “lột xác” như thế nào, còn trước mắt thì riêng bãi biển Tam Thanh (Tam Kỳ) bị các hồ nuôi tôm lấn theo nhiều cách. Những người thường xuyên tắm biển Tam Thanh buổi sáng rất bức xúc trước cảnh đấu nối ống nhựa hút nước biển vào hồ tôm, băm nát bãi biển phía nam. Việc nối ống, đóng cọc chi chít trên bờ biển vẫn chưa thấy dấu hiệu dừng lại. Có hồ tôm thậm chí cách biển chừng 20 m, được “gia cố” bờ bằng hàng trăm bao tải cát.
Nhưng hình ảnh trực quan này vẫn chẳng đáng là bao, nếu so sánh với mức độ ảnh hưởng dọc cồn cát phía trong, nơi sông Trường Giang đang oằn mình hứng nước thải từ các hồ. Thậm chí, lòng sông bị hút cát để be bờ chứa nước nuôi tôm. Nhiều cánh đồng tôm “mọc” lên dọc dải đất ven biển từ Thăng Bình đến Núi Thành gây hệ lụy kép: vừa xả thẳng nước thải biến nơi đây thành “túi nước thải”, lại xâm lấn san ủi, hút cát khiến bờ sông sạt lở nghiêm trọng.
Những thông tin ban đầu từ các đoàn kiểm tra liên ngành đã tạo cơ sở để UBND tỉnh Quảng Nam mạnh tay sắp xếp lại quy hoạch. Chính quyền cấp xã có trách nhiệm thông báo đến từng hộ dân chủ trương cấp phép kể từ ngày 1.1.2014. Trong đó, tất cả các hộ nuôi tôm lót bạt vùng ven biển và vùng triều ven sông phải theo đúng quy hoạch, phải có phương án kỹ thuật nuôi và xử lý môi trường được Sở NN-PTNT thẩm định, cho phép nuôi thì mới được triển khai nuôi tôm theo quy định. Ngành điện cũng vào cuộc với các “biện pháp kỹ thuật” kiểu như chỉ cấp điện cho hộ nuôi tôm có phép, hiện tại thì tạm ngừng cấp điện cho các hộ nuôi tôm trái phép dọc đường thanh niên ven biển…
Ở vùng cát ven biển Quảng Nam, đang tồn tại nghịch lý bỏ hoang (nghỉ vụ nuôi) hơn 535 ha dọc Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành; trong khi đó nhiều nơi khác lại nóng chuyện tôm. Hộ nuôi tôm sú liên tiếp bị dịch bệnh, lỗ vốn liền tìm cách chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát và thu lãi lớn (lãi ròng 80-100 triệu đồng/vụ), nên bất chấp các cảnh báo khác.
Bài toán về môi trường, quy hoạch tổng thể tại vùng cát ven biển Quảng Nam đã đến lúc phải tìm lời giải sớm, trước khi quá muộn.
Hứa Xuyên Huỳnh
Bình luận (0)