Chiều 24.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ. Khoản 2 điều 81 dự thảo luật quy định: GPLX không thời hạn được cấp trước ngày 1.7.2012 phải được đổi sang GPLX mới theo lộ trình do Chính phủ quy định.
Cho ý kiến về nội dung trên, đại biểu Trịnh Minh Bình (đoàn Vĩnh Long) đề nghị ban soạn thảo cân nhắc có cần thiết hay không?
Ông Bình dẫn số liệu từ Cục Đường bộ Việt Nam, cho thấy cả nước có khoảng 22 triệu GPLX mô tô không thời hạn bằng vật liệu giấy, được cấp từ năm 1995 đến tháng 7.2012. Trong khi đó, lệ phí cấp đổi GPLX theo quy định là 135.000 đồng.
Như vậy, nếu phải cấp đổi toàn bộ số GPLX nêu trên, người dân sẽ phải tốn 2.970 tỉ đồng. Với chi phí lớn như vậy, vị đại biểu tỉnh Vĩnh Long cho rằng cân nhắc kỹ về nội dung này.
Trước đó, trong báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ, Chính phủ cho hay, việc đổi GPLX không thời hạn cấp trước ngày 1.7.2012, từ chất liệu giấy sang chất liệu nhựa PET, là cần thiết, phù hợp.
Việc chuyển đổi như trên còn hướng đến mục tiêu thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Chính phủ và các quy định pháp luật hiện hành về việc chuyển đổi số, đồng bộ hóa dữ liệu, định danh và xác thực điện tử, phục vụ công tác quản lý nhà nước và phục vụ công dân thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử.
Chính phủ viện dẫn Nghị định số 59/2022, nhiều loại giấy tờ được đồng bộ thông tin vào tài khoản định danh điện tử, trong đó có GPLX.
Tuy nhiên, với những GPLX không thời hạn được cấp trước ngày 1.7.2012 còn thiếu một số thông tin cơ bản như ngày, tháng sinh, số chứng minh nhân dân, căn cước công dân... Điều này dẫn tới không thể đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử, thẻ căn cước.
Mặt khác, GPLX cấp trước ngày 1.7.2012 được sử dụng trên 10 năm đã cũ, nhàu, nát; cần chuyển đổi sang GPLX thẻ nhựa thì mới có thể tích hợp đầy đủ các thông tin theo yêu cầu.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng thừa nhận, việc chuyển đổi từ GPLX bằng chất liệu giấy sang chất liệu nhựa sẽ phát sinh chi phí về tài chính và thời gian cho người dân.
Để hạn chế tạo ra áp lực chuyển đổi, tạo thuận lợi hơn cho người dân, Chính phủ sẽ thực hiện chuyển đổi có lộ trình, nghiên cứu các mức chi phí, biện pháp thực hiện đảm bảo thuận lợi nhất.
ĐBQH Điểu Huỳnh Sang: Đi xe máy ra vườn, ra rẫy cũng phải lắp camera hành trình, có hiệu quả không?
Đề nghị cấp đổi miễn phí
Trao đổi với Thanh Niên, anh Nguyễn Viết Long (35 tuổi, trú tại Hà Nội) cho biết đang sử dụng một GPLX hạng A1, cấp năm 2010, tức là thuộc diện phải đổi GPLX như đề xuất của dự thảo luật TTATGT đường bộ.
Bày tỏ ủng hộ việc đổi GPLX để thuận lợi cho công tác quản lý, nhưng anh Long đề nghị quy trình cấp đổi phải thuận lợi, không gây phiền hà cho người dân, nếu được thì nên thực hiện trực tuyến. Đồng thời, khi cấp đổi GPLX, người dân phải được miễn lệ phí. Bởi lẽ, GPLX anh đang sử dụng được cấp đúng quy định, nếu Nhà nước có sự thay đổi về chính sách quản lý thì cần tạo điều kiện tốt nhất để không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Tương tự, nhiều bạn đọc đặt vấn đề sao không liên thông giữa căn cước công dân và chứng minh nhân dân để cập nhật dữ liệu. Với việc Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã đi vào vận hành, liệu có thể rà soát để tự động cập nhật các dữ liệu còn thiếu? Như vậy, vừa phát huy được hiệu quả của cơ sở dữ liệu, vừa tránh gây phiền hà đến người dân.
Một số ý kiến khác thì gợi ý cơ quan chức năng có thể giao về cho quận, huyện thực hiện với hình thức nộp bản sao GPLX cũ có đối chứng (không sao y) và hẹn ngày lấy. Điều này sẽ thuận tiện cho việc đi lại của người dân…
Bình luận (0)