Tôn Nam Kim vững vàng vượt ‘bão’

Đình Sơn
Đình Sơn
11/10/2021 08:00 GMT+7

Dù trong 3 năm qua, Tôn Nam Kim đã trải qua giai đoạn cực kỳ khó khăn và bước sang năm 2021 dịch Covid-19 bùng phát đợt thứ 4 vô cùng dữ dội nhưng Tôn Nam Kim vẫn tăng trưởng vượt bậc trong năm 2021.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Minh Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thép Nam Kim (Tôn Nam Kim) để hiểu hơn về chiến lược vượt “bão” của công ty.

Dây chuyền Tôn Nam Kim

Được biết trong 3 năm qua, Tôn Nam Kim đã trải qua giai đoạn cực kỳ khó khăn, sau đó tăng trưởng vượt bậc trong năm 2021, ông có thể chia sẻ cảm xúc của ông về điều này?

Ông Hồ Minh Quang: Có thể nói rằng đó là hai thái cực cảm xúc trái ngược nhau, nhưng trong giai đoạn này tôi vẫn có niềm tin đó là khó khăn nhất thời và chúng tôi sẽ vượt qua. Đó cũng là giai đoạn chúng tôi tự soi lại mình và quyết định tái cấu trúc các mặt hoạt động một cách triệt để. Doanh nghiệp phải tự gò mình kỷ luật nhất sau giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng về quy mô và gặp lúc thị trường khó khăn. Chúng tôi đã tái cơ cấu, tái phân bổ các nguồn lực, đặt ra các chỉ tiêu cụ thể phải đạt được ứng với từng mốc thời gian và tất nhiên chấp nhận một số mất mát nhất định. Đặc biệt chúng tôi cho rằng mọi việc phải xuất phát từ cái gốc là cần thay đổi phương pháp quản trị và điều hành tương ứng với quy mô và môi trường cạnh tranh mới. Và thật may mắn ngành thép bước vào giai đoạn phục hồi đã cộng hưởng cho những nỗ lực không mệt mỏi của chúng tôi đạt những thành quả nhất định.

Đại dịch xảy ra trong 2 năm qua làm đảo lộn mọi dự báo, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, nhiều doanh nghiệp và ngành nghề đang gặp khó khăn nhưng may mắn ngành thép vẫn thuận lợi trên phạm vi toàn cầu, cả thượng nguồn và hạ nguồn. Thực sự ở giai đoạn đầu chúng tôi cũng chật vật để thích ứng. Nếu không thích ứng tốt, không có sự chuẩn bị thì chúng tôi không thể nắm bắt cơ hội của ngành để phục hồi trong giai đoạn vừa qua. Cụ thể trong giai đoạn khó khăn chúng tôi vẫn tập trung nguồn lực và chi phí vào công tác R&D, nâng chuẩn chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ thị trường châu Âu, Mỹ, Úc. Về quản trị, chúng tôi cơ cấu lại các phòng ban, bộ phận trên cơ sở tối ưu hóa nguồn lực hiện có và bổ sung nguồn nhân lực mới có chất lượng.

Bước tiếp theo là chuẩn hóa các quy trình tác nghiệp và triển khai thành công nền tảng ERP của hãng SAP - Đức. Chính điều này đã thay đổi căn bản hệ thống quản lý có tính chuẩn mực hơn. Các hoạt động từ khâu nguyên liệu, sản xuất, quản trị chất lượng, bán hàng và tài chính đều có thể dự báo và có tính kế hoạch cao. Và thực sự hệ thống này đã giúp chúng tôi vận hành thuận lợi trong thời gian dịch bệnh diễn ra, các tương tác phần lớn gián tiếp từ xa nhưng nhà máy vẫn vận hành gần như tối đa công suất.

Đấy là những điều tưởng chừng đơn giản nhưng là cả quá trình nỗ lực kiên trì, nhất quán đã giúp chúng tôi gia tăng năng suất, giảm chi phí và tận dụng cơ hội thị trường một cách nhanh chóng.

Ông Hồ Minh Quang - Chủ tịch HĐQT Tôn Nam Kim

Ảnh: nvcc

Ông có thể cho biết dịch Covid-19 đã tác động như thế nào đến ngành thép nói chung và ngành tôn mạ nói riêng?

Chúng ta phải xác định tâm thế chung sống với dịch bệnh một cách lâu dài. Vắc xin là một giải pháp, nhưng các doanh nghiệp bên cạnh tuân thủ các quy định của Chính phủ còn phải xây dựng các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của mình để tổ chức sản xuất kinh doanh một cách an toàn.

Ngành thép toàn cầu trong những năm qua đã có sự thay đổi lớn, bắt đầu từ sự trỗi dậy của làn sóng bảo hộ, chiến tranh thương mại từ đầu nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Một số quốc gia đã đặt trọng tâm ưu tiên phát triển một số ngành công nghệ mới và tái cơ cấu một số ngành trong đó có ngành thép. Đại dịch xảy ra đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng ở nhiều ngành công nghiệp trong đó có ngành thép dẫn đến tình trạng cung - cầu mất cân đối cục bộ ở nhiều khu vực như châu Âu và Mỹ, nơi tiên phong phát triển vắc xin và phục hồi kinh tế sớm. Chính điều này cũng là cơ hội cho ngành thép Việt Nam với sự đầu tư mạnh mẽ trong những năm gần đây.

Phòng lab Tôn Nam Kim

Vậy theo ông cơ hội từ thị trường xuất khẩu vẫn lớn, ông có thể nói thêm về thị trường tôn mạ nội địa?

Phải nói rằng, trong 5 năm qua với sự đầu tư mở rộng quy mô của các doanh nghiệp trong ngành và cả các doanh nghiệp mới tham gia, công suất của ngành đã quá lớn, trở nên dư thừa so với nhu cầu của thị trường nội địa, cạnh tranh ngày càng gay gắt. Do vậy, thị trường quốc tế vẫn là một miếng bánh thị phần lớn với nhiều phân khúc mà các doanh nghiệp tôn mạ lớn trong nước đang hướng đến.

Với Tôn Nam Kim, điều này không đồng nghĩa với việc chúng tôi xem nhẹ thị trường nội địa. Trong những năm qua, chúng tôi luôn duy trì ở mức khoảng 50% sản lượng bán hàng cho thị trường nội địa. Chúng tôi cũng phát triển những dòng sản phẩm tôn kẽm cường độ cao, mạ siêu dày đến Z600, sản phẩm tôn mạ lạnh AZ250 phủ sơn cao cấp có độ bền đến 50 năm, phù hợp với những công trình trong môi trường có tính ăn mòn cao. Và trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển những dòng sản phẩm khác biệt cho thị trường trong nước.

Nhưng hiện tại ảnh hưởng của dịch bệnh trong nước rất nặng nề, nhu cầu trong nước chưa thể phục hồi thì tỷ trọng xuất khẩu sẽ tăng lên cao hơn. Thậm chí, trong quý 3 này, tỷ trọng xuất khẩu chiếm đến hơn 80% sản lượng bán hàng. Để đạt được điều này chúng tôi đã có dự báo từ sớm khi dịch bệnh có dấu hiệu lan rộng tại miền Nam để chuẩn bị nguyên liệu phù hợp cho thị trường xuất khẩu, chủ động thực hiện “3 tại chỗ” từ rất sớm trước khi có quy định bắt buộc của địa phương, nâng cao chế độ phúc lợi để người lao động an tâm ở lại nhà máy tổ chức sản xuất an toàn và đến hiện tại chưa xảy ra trường hợp nhiễm bệnh nào.

Câu chuyện của các doanh nghiệp tôn mạ trong các quý vừa qua là xuất khẩu, ông có thể chia sẻ gì thêm?

Thị trường xuất khẩu luôn có sự dịch chuyển theo thời gian, có lúc khó khăn, lúc thuận lợi. Ví dụ quý này, năm này là châu Âu, Bắc Mỹ nhưng quý sau, năm sau lại thêm là thị trường châu Á phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát tốt. Và các yếu tố rủi ro về chính sách thương mại và bảo hộ luôn hiện hữu. Nhưng bao năm qua, các doanh nghiệp tôn mạ Việt Nam đã quen và thích ứng với điều này. Đội ngũ kinh doanh quốc tế của chúng tôi có kinh nghiệm với công tác phòng vệ thương mại và chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Bộ Công thương. Hơn nữa, trong xu hướng hội nhập, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại với nhiều quốc gia, khu vực, điển hình như Hiệp định Đối tác Toàn diện xuyên Thái Bình Dương CPTPP, Hiệp định Thương mại Việt Nam và Liên minh châu Âu EVFTA... sẽ giúp hạn chế những rào cản trong hoạt động xuất khẩu.

Như trên tôi đã nói, bên cạnh thị trường nội địa, Tôn Nam Kim hướng đến miếng bánh thị phần quốc tế to hơn, rộng lớn hơn. Đặc biệt trong bối cảnh thời gian qua Chính phủ Trung Quốc đã điều chỉnh chính sách đối với ngành thép quốc gia họ, đó là kiểm soát sản lượng, hủy bỏ trợ cấp hoàn thuế đối với gần như toàn bộ sản phẩm thép xuất khẩu trong đó có sản phẩm tôn mạ. Đây có thể là yếu tố, động lực thúc đẩy hoạt động đầu tư tăng quy mô của các doanh nghiệp tôn mạ Việt Nam trong thời gian tới để hướng đến xuất khẩu.

Và Tôn Nam Kim sẽ đi theo xu hướng này?

Phải nói rằng thị trường châu Âu và Mỹ với những yêu cầu khắt khe về chất lượng đã thúc đẩy chúng tôi cải tiến liên tục để hướng đến những phân khúc sản phẩm cao hơn trong thời gian qua. Chúng tôi tự tin đủ năng lực để tham gia thị phần tôn mạ chất lượng cao toàn cầu. Hiện chúng tôi đang xúc tiến dự án đầu tư mở rộng giai đoạn 1 để nâng công suất lên 1,6 triệu tấn vào năm 2023. Dự án mở rộng này chúng tôi tập trung vào yếu tố công nghệ để hướng tới thị trường cao cấp hơn. Dù có những lo ngại chu kỳ suy giảm của ngành khi hoàn thành dự án nhưng với xu hướng tái cấu trúc ngành thép của một số quốc gia, chúng tôi tin rằng nhu cầu từ thị trường quốc tế đối với sản phẩm tôn mạ chất lượng cao từ Việt Nam vẫn gia tăng.

Triết lý kinh doanh của ông là gì?

Tôi chỉ nghĩ đơn giản là sản phẩm của chúng tôi liên quan đến mái nhà, đến công trình nên là gia sản, là tâm huyết có thể là cả đời của người sử dụng nên chúng tôi phải tạo ra sản phẩm có chất lượng thật sự ứng với chi phí mà họ bỏ ra. Các dây chuyền mạ kẽm, mạ màu đầu tiên của chúng tôi được cung cấp bởi Posco E&C Hàn Quốc và sau này khi mở rộng quy mô, tôi luôn chọn công nghệ của các nhà cung cấp nổi tiếng, điển hình như SMS của Đức. Ngay cả trong giai đoạn khó khăn vừa qua, khi thực hiện tái cấu trúc hoạt động, chúng tôi vẫn quyết định nâng chuẩn chất lượng tất cả các sản phẩm từ tôn kẽm, tôn lạnh, tôn màu và ống thép cho thị trường nội địa và dù với chi phí giá thành cao hơn nhưng chúng tôi vẫn chưa thay đổi cách định giá sản phẩm. Chúng tôi không tận dụng lợi thế công nghệ để tạo ra sản phẩm với chuẩn chất lượng thấp nhằm cạnh tranh trước mắt về giá nhưng mang lại giá trị sử dụng rất thấp cho khách hàng. Vì thực tế dù công nghệ được đầu tư hiện đại đến đâu, nhưng nếu mình cứ tư duy tạo ra sản phẩm với giá cạnh tranh dựa trên chuẩn chất lượng thấp, thì sản phẩm của mình không thể nào chất lượng tốt được dù ở bất cứ phân khúc nào.

Xin cảm ơn ông!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.