Tồn tại cũng như không

23/02/2013 03:00 GMT+7

Câu chuyện về “sữa dê” Danlait một lần nữa phơi bày những yếu kém, bất cập của cơ quan quản lý về thực phẩm là Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.

Ngày 20.2, khi sự việc bắt đầu lùm xùm, ông cục trưởng rất tự tin khẳng định: sữa dê Danlait có nguồn gốc xuất xứ Pháp, có đầy đủ giấy tờ nhập khẩu cho từng lô hàng, được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm ngày 17.1.2012. Sang ngày hôm sau, khi Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện nhiều sai phạm, tịch thu tới 6.000  hộp sữa, thì ông nói rằng: “Về chất lượng, theo quy định, doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm. Các giấy tờ liên quan đến chất lượng sản phẩm đều do nhà nhập khẩu cung cấp, không phải do Cục thực hiện” (!).

“Doanh nghiệp chịu trách nhiệm về chất lượng”, điều này không sai, nhưng khó chấp nhận khi quản lý nhà nước dùng đó làm nơi trú ẩn cho sự tắc trách (hay yếu kém) của quản lý. Chuyện này rất giống sự cố melamine trong sữa hồi năm 2009. Ban đầu, khi vụ bê bối nổ ra ở Trung Quốc, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (ATTP) lúc đó cũng nói chắc như đinh đóng cột: VN không có sữa nhiễm melamine và rằng chưa từng cấp phép cho sữa Trung Quốc tại VN. Chỉ đến khi người tiêu dùng phát hiện ra sữa Yili xuất xứ Trung Quốc và doanh nghiệp nhập khẩu tự đi kiểm nghiệm phát hiện có melamine trong đó thì Cục này mới thừa nhận đã cấp chứng nhận tiêu chuẩn cho 11 sản phẩm sữa Trung Quốc (!).

Theo quy trình, Cục ATTP cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm căn cứ hồ sơ doanh nghiệp cung cấp và sẽ tiến hành hậu kiểm. Nhưng trên thực tế, sau khi cấp phép, Cục ATTP gần như không có động thái gì, chưa nói đến lấy mẫu các sản phẩm đã cấp phép để xét nghiệm, kiểm tra. Trong khi lẽ ra phải làm ngược lại, thay vì ngồi chờ các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh đến nộp hồ sơ và ký giấy phép cho lưu hành, Cục ATTP phải tự mình thẩm định, kiểm tra và chứng nhận những tiêu chuẩn mà doanh nghiệp công bố. Cục cũng phải đồng chịu trách nhiệm về sự an toàn và chất lượng của thực phẩm đó. 

Hàng loạt những vụ thực phẩm bẩn như: bánh phở có formol, nước tương có chất gây ung thư 3-MCPD, nước mắm có urê…đều không phải được phát hiện từ hoạt động kiểm tra, cấp phép của cơ quan quản lý. Câu hỏi về trách nhiệm lẽ nào không day dứt lãnh đạo ngành y tế?

Nếu nói như lãnh đạo Cục ATTP, “doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm” thì phải lý giải thế nào về sự tồn tại của cái gọi là giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm mà đơn vị này vẫn đang cấp cho bất cứ thứ gì liên quan đến sự ăn, uống của con người khi muốn vượt qua biên giới vào VN, với một quy trình thủ tục chẳng dễ dàng gì. Và nếu người tiêu dùng vẫn phải quá lo lắng, hồi hộp, trông chờ vào sự may rủi khi ăn, uống một thực phẩm nào đó như hiện nay thì có lẽ Chính phủ, Bộ Y tế cũng cần xem xét hiệu quả, chất lượng của bộ máy quản lý về ATTP vốn rất đông đảo từ T.Ư đến địa phương.

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.