Trong giai đoạn đầu cải cách thị trường điện, giá điện sẽ tăng lên nhưng khi đã thu hút được nhiều nhà đầu tư, tạo nên cạnh tranh thì bắt đầu giảm.
Hôm qua (8.12), tại hội thảo “Cải cách thị trường điện cạnh tranh, kinh nghiệm cho VN” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) tổ chức, các chuyên gia đến từ Đức cho rằng, nhờ tự do hóa thị trường điện, mà giá điện ở Đức luôn cạnh tranh và có xu hướng giảm mạnh. Đây là một xu hướng mà VN cũng rất nên đi theo.
Trả lời câu hỏi của ông Nguyễn Đình Cung (Viện trưởng CIEM), rằng thị trường điện của Đức trước đó tập trung rất mạnh, nhưng thị trường VN còn tập trung hơn ở chỗ chỉ có một mình Tập đoàn điện lực VN (EVN) thì việc tự do hóa thị trường nên đi theo cách nào?, Giáo sư Andreas Polk (Trường Kinh tế và Luật Berlin) cho rằng, quá trình chuyển đổi từ thị trường tập trung sang thị trường tự do sẽ rất dài, nên nếu tự do hóa, cần tự do hóa tất cả các khâu cùng một lúc.
Nếu vẫn để tồn tại doanh nghiệp độc quyền hay giao việc cải cách cho doanh nghiệp đó sẽ dẫn đến tình trạng ngăn cản cạnh tranh, làm chậm lại quá trình. Cho nên phải có cơ quan điều chỉnh, tồn tại độc lập, là cơ quan nhà nước để mọi công ty, nhà đầu tư mới tiếp cận được.
Tuy nhiên, Đức cũng như nhiều nước, trong giai đoạn đầu cải cách thị trường điện, giá điện sẽ tăng lên nhưng khi đã thu hút được nhiều nhà đầu tư, tạo nên cạnh tranh thì bắt đầu giảm. Tại Đức, từ năm 2008 đến nay giá điện đã giảm tới 40 - 50% so với thời kỳ trước đó. Đây là xu hướng bền vững về mặt kinh tế.
Bình luận (0)